Thanh Tâm ·
1 năm trước
 2613

Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Nhằm chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại từ biến đổi khí hậu, các tỉnh đã ưu tiên các nguồn lực, triển khai hiệu quả nhiều hoạt động theo các chương trình, chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao năng lực thích ứng với diễn biến bất thường.

Thông tin cho biết, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn vừa qua đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái trong giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành 1 chương trình, 3 kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, 5 kế hoạch có liên quan đến phòng, chống khắc phục hậu của thiên tai để tổ chức triển khai thực hiện.

Việc lồng ghép mục tiêu cùng với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa)

Việc lồng ghép mục tiêu cùng với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương đã được tỉnh lồng ghép trong điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành và lĩnh vực cụ thể. Từ đó, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành và các địa phương của tỉnh triển khai thực hiện các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, ở giai đoạn này tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều các dự án, nhiệm vụ ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu như: Hoàn thành Dự án nâng cấp, gia cố hồ chứa nước xã Suối Giàng để đảm bảo an toàn công trình, chống sạt lở bồi lấp lòng hồ; cải tạo nâng cấp đường từ xã Sơn Thịnh lên trung tâm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; hoàn thành giai đoạn 1 Dự án Đê chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. Đồng thời, triển khai thực hiện Dự án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 trên địa bàn 3 huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và huyện Yên Bình. 

Trong giai đoạn 2016-2021 tỉnh cũng đã quan tâm chi thường xuyên để khắc phục hậu quả thiên tai là gần 126 tỷ đồng. Địa phương này cũng được Trung ương quan tâm đầu tư trên 900 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng chi trên 200 tỷ đồng để thực hiện chi cho đầu tư phát triển ứng phó biến đổi khí hậu...

Trong những năm qua, nhằm tăng cường lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu và chiến lược, chính sách phát triển của địa phương, tỉnh Yên Bái đã quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ phù hợp với hoàn cảnh biến đổi khí hậu, phát triển nguồn gen có khả năng chống chịu tốt cho từng khu vực; nghiên cứu bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích các mô hình sản xuất sạch, trồng trọt, chăn nuôi mới có khả năng thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý hợp vệ sinh để giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện nhiều hoạt động, dự án ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại các địa phương trong tỉnh. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, bất cập cần được khắc phục, có nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; ý thức tự giác, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng và doanh nghiệp chưa cao... Công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu mới triển khai thực hiện bước đầu, hiệu quả chưa rõ rệt.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, biến đổi khí hậu tác động đến đa ngành, đa lĩnh vực trong khi nguồn cán bộ chuyên trách và được đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu của địa phương còn thiếu; nguồn kinh phí đầu tư cho ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh còn hạn chế.

Trước những vấn đề trên, UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quy định phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương các cấp trong việc thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu để nhiệm vụ này đạt kết quả tốt hơn.

Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ nguồn lực, tăng phân bổ ngân sách Trung ương để địa phương có điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các địa phương khó khăn về ngân sách nhưng lại có nguy cơ bị ảnh hưởng tác động nhiều của biến đổi khí hậu như Yên Bái.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét xây dựng Đề án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Ngoài ra, để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều ý kiến cho rằng Yên Bái cần lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển bền vững của tỉnh.

Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cần được xây dựng trên cơ sở mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xem xét diễn biến các yếu tố trong kịch bản biến đổi khí hậu đã được công bố và phải tính toán chi phí - lợi ích của các giải pháp đối với ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, địa phương này cần triển khai xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước trong thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và hướng nguồn vốn tài trợ cho biến đổi khí hậu thông qua ngân sách để chuyển sang tài trợ trực tiếp cho các dự án trong danh mục ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu; bổ sung cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư vào công việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh.