Thanh Tâm ·
1 năm trước
 2608

Luật Biến đổi khí hậu: Nhiệm vụ cấp thiết để hiện thực hóa các chính sách khí hậu

Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ngay từ bây giờ. Do đó, xây dựng Luật Biến đổi khí hậu để “bao trùm” tất cả các lĩnh vực là điều cần thiết trong thời gian tới.

Ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành khá đầy đủ. Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá việc triển khai các quy định đã ban hành, đồng thời xem xét đưa đề xuất xây dựng Luật Biến đổi khí hậu vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội ở thời điểm phù hợp.

Mới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo "Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới".

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, biến đổi khí hậu đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới. Tình hình này đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia trong việc đề ra các hành động tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa phát thải carbon vào năm 2050 càng cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đối với vấn đề này.

Biến đổi khí hậu đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc thực hiện kịp thời các cam kết về biến đổi khí hậu sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ quan điểm “Vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản. Vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế”.

Tại Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW đã yêu cầu: “Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan”.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Đa dạng Sinh học năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017… Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu, nổi bật là Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hay Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…

Từng bước xây dựng chính sách cụ thể

Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan của Quốc hội được phân công phụ trách và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chủ trì, phối hợp thẩm tra, giám sát, kiến nghị thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. 

Thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Đa dạng Sinh học năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017… Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu, nổi bật là Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nhiều đại biểu cũng cho rằng cần xây dựng Luật Biến đổi khí hậu để “bao trùm” tất cả các lĩnh vực là điều cần thiết trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, khi xây dựng văn bản luật riêng về biến đổi khí hậu cho Việt Nam, cần xem xét và kết hợp đồng thời 4 vấn đề: Một là nội luật hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà nước ta đã tham gia. Hai là, gắn với quan điểm và chiến lược của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ba là rà soát, tổng kết việc thực thi pháp luật về biến đổi khí hậu. Bốn là nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Theo GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, luật biến đổi khí hậu có thể chưa thể ra đời ngay, nhưng phải bắt đầu từ bây giờ để đến năm 2024 - 2025, luật đã hình thành. Tuy nhiên, GS Trần Thục cũng nhấn mạnh, không nên quá cầu toàn về luật biến đổi khí hậu, bởi luật sẽ là bộ khung để cho các hành động tiếp theo sau có tính pháp lý trong quá trình thực hiện.

GS Trần Thục cho rằng, luật có thể quy định các điều khoản chung, còn những vấn đề chi tiết, giao cho Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để cụ thể hóa, giúp quá trình thực thi đạt hiệu quả.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, khi xây dựng văn bản luật riêng về biến đổi khí hậu cho Việt Nam, cần xem xét và kết hợp đồng thời 4 vấn đề: Nội luật hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà nước ta đã tham gia; gắn với quan điểm và chiến lược của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát, tổng kết việc thực thi pháp luật về biến đổi khí hậu; nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trên thế giới.