Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), các hòn đảo tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được cho là đang đứng trước nguy cơ cao nhất. Các đảo quốc như Maldives hay Tuvalu sẽ không thể ở được vào năm 2050, hay đảo Kiribati bị dự báo sẽ hoàn toàn biến mất dưới mực nước biển vào năm 2100.
Không chỉ có các đảo, nhiều thành phố cũng đang bị đe dọa bởi nước biển dâng. NASA cũng đưa ra dự báo mực nước biển có thể dâng cao thêm tối đa là 2 mét vào năm 2100.
'Thiên đường' Maldives được dự báo sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2050 do bị nước biển nhấn chìm
Kịch bản này nếu trở thành hiện thực, các thành phố nằm ở vùng thấp của châu Âu như Venice, Amsterdam hay Hamburg có thể biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ 21.
Mới đây, Tổng Thư ký Khối thịnh vượng chung Baroness Patricia Scotland cảnh báo một số quốc gia nhỏ nhất trên thế giới có thể bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao. Bà Scotland cho biết người dân ở một số quốc gia nhỏ nhất trong Khối thịnh vượng chung như các đảo quốc Tuvalu và Nauru ở Thái Bình Dương đang tìm những nơi mới để chuyển đến do mực nước biển dâng cao đến mức nguy hiểm.
Một nghiên cứu khác của Cơ quan Khí tượng và Đại dương Mỹ đưa ra viễn cảnh còn bi quan hơn khi cho rằng nước biển sẽ dâng cao thêm 3-5 mét vào năm 2200. Khi đó, danh sách các thành phố gặp nguy hiểm sẽ bao gồm cả New Orleans (Mỹ) hay Alexandria (Ai Cập).
Theo bà Scotland, nhân loại không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động chống biến đổi khí hậu.
Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và lý tưởng hơn cả là ở mức 1,5 độ C.
Mỗi quốc gia đã có những cách làm riêng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này. Tuy nhiên, các nhà khoa học Liên hợp quốc cho rằng thế giới đang đi chệch khỏi mục tiêu 1,5 độ C nói trên. Đây là ngưỡng giúp Trái Đất tránh được các tác động tiêu cực nhất của tình trạng biến đổi khí hậu như thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng.
Dự kiến, lãnh đạo các nước sẽ nhóm họp ở Glasgow (Anh) trong hai tuần đầu tháng 11 tới trong khuôn khổ vòng đàm phán tiếp theo của Liên hợp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu nhằm đưa ra những cam kết tham vọng hơn đối với giới hạn mức tăng 1,5 độ C.