TM ·
1 năm trước
 4578

Mang mùi hương của loài hoa đã tuyệt chủng hơn 100 năm trở lại_Liệu "Công viên kỷ Jura" sẽ thực sự xuất hiện?

Liệu con người có khả năng khiến những loài sinh vật đã tuyệt chủng xuất hiện một lần nữa? Đây luôn là câu hỏi khiến các nhà nghiên cứu phải nỗ lực hết sức để ra tìm câu trả lời. Tuy nhiên, nhờ thành công trong việc tái tạo lại mùi hương của loài hoa Hibiscadelphus wilderianus đã tuyệt chủng cách đây hơn 100 năm, con người đã bước thêm một bước, đến gần hơn với hi vọng mang Công viên kỷ Jura xuất hiện ngoài đời thực.

Hibiscadelphus wilderianus là họ hàng xa của loài hoa dâm bụt Hawaii nổi tiếng, sinh sống ở các cánh đồng dung nham trên sườn phía nam của núi lửa Haleakala, đảo Maui. Loài thực vật này được cho là đã tuyệt chủng khoảng từ năm 1910 đến 1911, nguyên nhân là do các cánh đồng dung nham đã bị phá hủy để lấy đất xây trang trại nuôi gia súc. Hiện nay chỉ có thể tìm thấy mẫu vật ép khô của chúng ở Bảo tàng Thực vật và Thảo mộc tại trường đại học Harvard.

Mẫu vật ép khô của Hibiscadelphus wilderianus ở Bảo tàng Thực vật và Thảo mộc tại trường đại học Harvard. Ảnh: National Geographic

Dự án tái tạo mùi hương này được nhóm nghiên cứu tại công ty công nghệ sinh học Ginkgo Biowork và nhà nghiên cứu mùi hương Sissel Tolaas đảm nhận. Mục tiêu ban đầu của họ là phục hồi lại mùi hương của những loài thực vật đã tuyệt chủng để phát triển mùi nước hoa mới, mang thông điệp gợi nhớ về ký ức của quá khứ.

Có hai phương án được đưa ra, một là tìm kiếm những tàn tích còn sót lại của các loài thực vật đã tuyệt chủng trong lớp băng vĩnh cửu. Tuy nhiên phương án này nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Vì vậy nhóm nghiên cứu đã lựa chọn cách tìm đến Bảo tàng Thực vật và Thảo mộc của Harvard để tìm kiếm mẫu vật ép khô của chúng. Trong 20 loài thực vật đã tuyệt chủng được lưu lại, nhóm nghiên cứu được phép lấy mẫu 14 loại, và cuối cùng họ đã quyết định chọn 3 loại là Hibiscadelphus wilderianus, Orbexilum provulatum và Leucadendron grandiflorum.

Ảnh: National Geographic

Giám đốc sáng tạo của Ginkgo Bioworks cho biết họ đã lấy một lượng rất nhỏ, chỉ bằng đầu móng tay, của mỗi mẫu vật sau đó gửi chúng về phòng thí nghiệm để chiết xuất và giải trình tự DNA của chúng. Sau khi tìm được 11 gen có thể mang khả năng quyết định mùi hương của hoa Hibiscadelphus wilderianus, họ dùng máy in DNA hiện đại tạo ra các bản sao của chúng và đưa chúng vào nấm men để phát triển và tạo ra các phân tử mùi hương. Bước cuối cùng là gửi nó đến cho Tolaas, cô ấy sẽ có trách nhiệm phân tích và điều chế lại, tạo ra một mùi hương có khả năng chính là mùi hương của loài hoa đó.

 
Máy in DNA. Ảnh: National Geographic

Khi một sinh vật chết đi, ánh sáng mặt trời, nước và các vi sinh vật sẽ ngay lập tức phân hủy DNA trong tế bào của nó. Vì vậy, để tái tạo lại, các nhà nghiên cứu phải ghép các đoạn DNA còn sót lại với nhau.“Quá trình này giống như chơi ghép hình puzzle nghìn tỷ mảnh vậy.” Nhà sinh học phân tử Beth Shapiro cho biết

Hiện nay, có đến 40% các loài thực vật trên trái đất có nguy cơ biến mất mãi mãi, thậm chí, sẽ có rất nhiều loài tuyệt chủng trước khi được khoa học tìm thấy và bảo tồn. Vì vậy, việc khôi phục lại mùi hương của những loài thực vật đã tuyệt chủng đã mở ra hi vọng có thể hồi sinh lại sự đa dạng sinh học mà con người đang dần dần đánh mất.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên con người cố gắng để hồi sinh lại những loài sinh vật đã tuyệt chủng. Tuy nhiên “Có nên hồi sinh chúng hay không?”“Chúng có thích nghi được với môi trường sống ngày nay hay không?”, “Có đảm bảo được các vấn đề về đạo đức, chính trị, kinh tế hay không?”... vẫn còn là những câu hỏi hóc búa cần phải giải quyết trước khi thực sự đưa chúng quay trở lại.