Đinh Hà ·
2 năm trước
 2685

Môi trường sống tự nhiên của đàn voi đang bị đe doạ, nguyên nhân do đâu?

Trong khi đàn voi Vân Nam vẫn đang đi lang thang gần các khu vực đông dân cư, các nhà khoa học cảnh báo việc mất không gian sinh tồn cũng đe dọa nhiều loài động vật hoang dã khác, như hổ và chó sói. Chúng ta cần làm gì để có thể ngăn chặn việc này?

Cuối tuần qua, các nhà chức trách tại Trung Quốc đã đưa một con voi đực trong đàn voi đi lang thang trở lại khu bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Vân Nam nhờ vào thức ăn chuẩn bị sẵn trên đường đi.

Được biết, chú voi đực này tách đàn khoảng 1 tháng trước. Trước khi bị các nhà chức trách bắt lại, nó đã đi một mình suốt quãng đường hơn 190km.

Nhà chức trách cho biết chú voi đực nặng 1,8 tấn đã lảng vảng gần những khu vực đông dân cư, gây ra nguy hiểm cho cuộc sống của con người. Vì vậy, họ quyết định đánh thuốc mê để đưa con voi về nơi sinh sống ban đầu sớm nhất có thể.

Các bác sĩ thú y không tìm thấy vết thương ngoài da nào trên cơ thể con voi. Sau khi được thả ra, con voi đi vào rừng và dầm mình dưới lòng sông, nhà chức trách Vân Nam cho biết.

Trong khi đó, những cá thể còn lại của đàn voi vẫn đang di chuyển, chưa rõ điểm đến cuối cùng của chúng sẽ là đâu. Cuối tuần qua, đàn voi đi qua khu vực thị trấn Ngọc Khê, phía tây nam tỉnh Vân Nam.

Lúc này, đàn voi Vân Nam đang được giám sát chặt chẽ thông qua hàng chục máy bay không người lái. Nhà chức trách Trung Quốc cũng triển khai hàng trăm cảnh sát và nhân viên cứu hộ để ứng phó trong tình huống khẩn cấp.

Môi trường sống của đàn voi đang bị đe doạ

Một số chuyên gia cho rằng đàn voi rời khỏi nơi cư trú ban đầu ở Vân Nam bởi nhu cầu tìm kiếm nguồn sống tốt hơn.

Voi châu Á là loài được bảo vệ ở Trung Quốc, nhờ các nỗ lực bảo tồn, số lượng loài voi đã tăng gấp đôi sau 40 năm, và hiện có khoảng 300 cá thể.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khoa học đăng tải trên tạp chí Nature tuần trước, trong vòng 20 năm qua, gần 40% không gian sinh tồn của loài voi ở miền nam Vân Nam đã biến mất, nhường chỗ cho các hoạt động phát triển kinh tế của con người.

Cơn sốt phát triển kinh tế đã biến những diện tích rừng già rộng lớn vốn là môi trường sống của các loài động vật ở Vân Nam trở thành đồn điền trồng cao su và chè. Trong khi đó, các dự án đường cao tốc, đường sắt, thủy điện cắt đứt con đường di cư của các loài.

Tại Vân Nam, bầy voi bị cô lập trong một diện tích đất ngày càng bị thu hẹp, nhiều con buộc phải kiếm ăn trong các vùng đất canh tác nông nghiệp của con người. Mỗi ngày, đàn voi ăn hàng tấn thực phẩm từ ngô, chuối, dứa.

Các nhà chức trách đang sử dụng thức ăn và chướng ngại vật để tìm cách dẫn dụ bầy voi tránh xa các khu vực đông dân cư và dùng xe tải hạng nặng chặn đường không để voi đi vào các làng mạc, thị trấn.

Về lâu dài, các nhà khoa học cho biết cách duy nhất để ngăn loài voi di cư không kiểm soát là khôi phục, mở rộng và tái kết nối các khu vực sinh sống của loài voi.

Việc môi trường sống của đàn voi cũng như các loài động vật khác trong tự nhiên đang bị đe doạ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người. Khôi phục, mở rộng và tái kết nối khu vực sinh sống của loài voi là điều cần thiết, tuy nhiên khi vừa cần phát triển kinh tế vừa cần bảo tồn môi trường sống của các loài động vật hoang dã, chúng ta cần làm gì để có thể ngăn chặn lại việc này?

Câu trả lời này tôi nghĩ cần có thêm thời gian để trả lời, bởi lẽ câu trả lời cụ thể nhất vẫn cần có sự nghiên cứu từ các chuyên gia để có thể đáp ứng đủ yếu tố phát triển kinh tế lẫn bảo tồn môi trường sống tự nhiên của các loài động vật.

Hồi tháng 4, một con hổ Siberia đi lạc vào một ngôi làng ở đông bắc Trung Quốc, tấn công người dân và một chiếc ôtô chở khách tại đây.

Tuần trước, ba con sói đã tấn công dân làng ở tỉnh Hắc Long Giang. Nhà chức trách bắn chết hai con sói, con còn lại bị bắt và đưa vào sở thú.

Thông tin từ Thiennhien.net