Theo HOSE, trong thời gian vừa qua, sau khi rà soát hồ sơ báo cáo/công bố thông tin của Xây dựng Hòa Bình, HOSE nhận thấy Xây dựng Hòa Bình không thực hiện công bố thông tin quyết định về việc trở thành/không còn là công ty mẹ của một số công ty: CTCP Kỹ thuật Hòa Bình Oseven, Công ty TNHH Tiến Phát Đông Bắc, Công ty TNHH Bất động sản Pax Land, Công ty TNHH MTV Pax Sky, CTCP Tiến Phát Tân Thuận.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với các bên liên quan chưa đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 292, 293 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán và Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC.
Xây dựng Hòa Bình được HOSE đề nghị nghiêm túc tuân thủ các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông, trong thời gian sớm nhất báo cáo kết quả khắc phục các vi phạm về HOSE.
Được biết, hiện Xây dựng Hòa Bình hiện công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Theo báo cáo tự lập, quý 4/2022 công ty này lỗ đột biến 1.200 tỷ, dẫn tới kết quả cả năm thua lỗ 1.141 tỷ đồng, xóa hết sạch lợi nhuận chưa phân phối và chuyển sang lỗ lũy kế 688,5 tỷ đồng.
Từ những ngày cuối năm 2022, sóng gió tại Hòa Bình bắt đầu nổi lên. Lúc đó Hòa Bình sau đi bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch bất ngờ phát đi thông báo hủy bỏ quyết định, giữ nguyên ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch.
Sau những phát ngôn của ông Phú, ông Hải đã tuyên bố gửi đơn tố giác lên cơ quan điều tra, đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng cùng các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức cho hai cá nhân này.
Hiện tại, ông Lê Viết Hải vẫn là Chủ tịch của Hòa Bình, sau khi có quyết định của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TPHCM về việc tạm dừng thi hành các nghị quyết của Hội đồng quản trị Hòa Bình.
Gần đây, nhiều lãnh đạo của Hòa Bình đã liên tục từ nhiệm gồm: ông Nguyễn Công Phú và ông Albert Antoine rời Hội đồng quản trị, ông Lê Quốc Duy và ông Dương Đình Thanh rời Ban Tổng giám đốc.