Thục Nghi ·
2 năm trước
 3114

Mùa dịch bệnh Covid-19 đã thải ra một lượng lớn khẩu trang trên toàn cầu, vậy lượng khẩu trang này được xử lý như thế nào?

Trong mùa dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, khẩu trang là vật dụng bất lý thân của tất cả mọi người chứ không còn là vật dụng dành riêng cho các nhân viên y bác sĩ như trước kia nữa. Điều này đồng nghĩa với việc lượng khẩu trang thải ra ngày càng nhiều và song song với đó là câu hỏi, loại rác thải này được xử lý như thế nào?

Trang Euro News đưa tin, hồi tháng 2-2021, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT - Úc) chỉ ra rằng khẩu trang dùng một lần có thể được tái chế để xây dựng những con đường. Vật liệu xây dựng mới này do các nhà nghiên cứu của RMIT phát triển.

Theo đó, để xây dựng một con đường gồm 2 làn đường sẽ cần khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang, giúp 93 tấn rác thải này không phải đổ ra bãi rác. Phân tích trên tạp chí Science of the Total Environment cho thấy khẩu trang làm độ cứng và khả năng chịu tải của con đường tăng lên khi nó được lót bên dưới. Trong đó, hỗn hợp tối ưu là 1% khẩu trang cộng với 99% bê-tông tái chế tổng hợp (RCA - về cơ bản là đá vụn xây dựng được tái sử dụng).

xử lý rác thải khẩu trang

Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) ước tính 129 tỉ chiếc khẩu trang dùng một lần (PPE) được sử dụng trên toàn cầu mỗi tháng. Tác giả nghiên cứu của RMIT, TS Mohammad Saberian, cho biết các phương pháp đa dạng và hợp tác là rất cần thiết để giải quyết tác động môi trường của đại dịch Covid-19, đặc biệt là những rủi ro liên quan tới quá trình xử lý PPE đã qua sử dụng.

"Nghiên cứu ban đầu này xem xét khả năng tái chế khẩu trang dùng một lần để xây dựng những con đường. Chúng tôi rất vui bởi nó không chỉ hiệu quả mà còn mang lại lợi ích kỹ thuật thực sự và sẽ tìm hiểu các loại PPE khác có phù hợp để tái chế hay không" - TS Saberian nói với trang rmit.edu.vn.

Trước khi sử dụng khẩu trang làm vật liệu xây dựng, các nhà nghiên cứu phải tìm biện pháp khử trùng. Một bản đánh giá toàn diện về công nghệ khử trùng cho thấy 99,9% virus có thể bị giết bằng "phương pháp vi sóng" đơn giản. Khẩu trang sẽ được phun dung dịch sát trùng rồi được xử lý bằng vi sóng trong 1 phút.

Bản đánh giá gợi ý nên khử trùng rác thải PPE ngay tại nguồn cung cấp, chẳng hạn trong các bệnh viện, do đạt hiệu quả cao hơn và có thể ngăn ngừa Covid-19 lây lan cho những người xử lý rác thải ở giai đoạn kế tiếp. Các nhà nghiên cứu của RMIT cũng xem xét việc sử dụng khẩu trang nghiền nát như một loại vật liệu tổng hợp để làm bê-tông. Nghiên cứu này được cho là sẽ mang lại kết quả đầy hứa hẹn.

Không chỉ Úc, nhiều chính phủ đang tìm cách xử lý rác thải PPE một cách hiệu quả. Tại Anh, một số bệnh viện sử dụng thiết bị do Tập đoàn Thermal Compaction (trụ sở tại Cardiff, Xứ Wales) sản xuất để biến khẩu trang y tế thành các tấm vật liệu màu xanh, sau đó làm ghế hoặc bàn trong các khu vườn. Tại Pháp, khẩu trang được cắt, khử trùng và chiết xuất polypropylen, trở thành những hạt nhỏ làm thảm trải sàn hoặc các bộ phận nhựa trong xe hơi.

Tại Mỹ, khẩu trang (PPE) cũng được gửi đến các cơ sở tái chế, biến thành hạt nhựa dùng cho băng ghế, bề mặt sàn hoặc pallet vận chuyển...

Khẩu trang là một vật dụng vô cùng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày hiện nay. Việc tái chế rác thải khẩu trang là một điều vô cùng cần thiết không những ở hiện nay mà cho cả mai sau nữa khi mà dịch bệnh không thể biến mất mãi mãi và các vấn đề về an toàn y tế trong bệnh viện luôn là cần thiết và hữu hiệu. Tái chế rác thải khẩu trang thành các vật dụng hằng ngày như thảm trải sàn, bê tông,... là điều vô cùng hữu hiệu trong việc xử lý rác thải y tế.

Còn bạn, bạn thấy việc này thế nào? Hãy đưa ra ý kiến của mình để cùng thảo luận và chia sẻ nhé!

Theo thông tin từ Báo Người lao động