Bão DOKSURI khả năng mạnh thêm
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 13 giờ ngày 25/7, vị trí tâm bão DOKSURI ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 123,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km/h. Đến 7h ngày 26/7, bão duy trì tốc độ và hướng di chuyển với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 15-16, giật trên cấp 17 (tương đương cấp siêu bão). Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 17,0N, phía Đông kinh tuyến 118,0E. Khu vực chịu ảnh hưởng: phía Đông của Bắc Biển Đông.
Trong 24h tới, bão DOKSURI có khả năng mạnh thêm. Bão Doksuri giữ hướng di chuyển và giảm tốc độ còn 10km/h. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 15, giật trên cấp 17. Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 17,0N, phía Đông kinh tuyến 116,5E. Khu vực chịu ảnh hưởng: phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, cường độ mạnh cấp 13-15, giật trên cấp 17, sau suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của bão DOKSURI, ó miền Bắc khả năng sẽ có mưa lớn diện rộng sau ngày 27/7. (Ảnh minh họa).
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, cường độ bão tiếp tục suy yếu thêm.
Bản đồ dự báo hướng đi cho thấy sau khi vào Biển Đông, siêu bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, cường độ giảm xuống cấp 14. Ngày 28/7, bão khả năng đổ bộ vào khu vực tỉnh Phúc Kiến hoặc đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Ngày 25/7, Cơ quan khí tượng thủy văn của Philippines cho biết, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Thái Bình Dương đã mạnh lên thành siêu bão có tên Doksuri hướng tới bờ biển nước này với sức gió 240 km/h, buộc hàng nghìn người phải sơ tán.
Toàn bộ hoạt động trên biển phải tạm dừng khi mưa trút xối xả và thủy triều dâng cao gần 3m. Dự kiến, cơn bão sẽ quét qua quần đảo Babuyan, Cagayan và phía Bắc Luzon, hòn đảo đông dân nhất của Philippines trong vòng 24 giờ tới. Nhà chức trách cảnh báo, trong điều kiện này, lũ lụt và sạt lở đất rất có thể xảy ra.
Cơ quan khí tượng nhận định, bão Doksuri ít nguy cơ ảnh hưởng đến thời tiết đất liền nước ta, nhưng sẽ gây mưa to, gió lớn và biển động dữ dội tại khu vực đông bắc của Bắc Biển Đông, rất nguy hiểm cho tàu thuyền.
Bão DOKSURI tương tác khiến gió Tây Nam trên khu vực biển phía Nam từ Bình Thuận - Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông bao gồm vùng biển huyện đảo Trường Sa của Việt Nam cũng mạnh lên cấp 6, giật cấp 8, biển động, kèm mưa dông mạnh. Trên đất liền, gió mùa Tây Nam mạnh cũng khiến khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ liên tục mưa nhiều, có nơi mưa rất to trong những ngày tới.
Bão DOKSURI ngoài khơi khiến miền Bắc nằm gần hoàn toàn trong đai áp cao cận nhiệt đới, do vậy duy trì nắng nóng oi bức cho đến khoảng hết ngày 26-27/7. Có một khả năng là sau ngày 27/7, miền Bắc sẽ có mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão DOKSURI.
El Nino xuất hiện ở mức trung bình đến mạnh
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, hiện tượng El Nino đã bắt đầu từ đầu tháng 6.
Dự báo El Nino tiếp tục phát triển từ nay đến hết năm 2023 và duy trì sang năm 2024 với xác suất khoảng 80%-90%; thời gian mạnh mẽ nhất của trạng thái El Nino sẽ xảy ra từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024 với xác suất El Nino có cường độ mạnh vào khoảng 84%.
Mặc dù trong điều kiện El Nino, lượng mưa có xu thế giảm, nhưng có thể xuất hiện các kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ. Điển hình như đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9/2009 sau cơn bão số 9 (Ketsana) tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, đỉnh lũ năm 2009 vượt báo động 3 tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên.
Tiếp đó, mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7/2015 tại Quảng Ninh khi El Nino hoạt động. Điều này cho thấy, El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Dựa trên một số thống kê khí hậu, các chuyên gia khí tượng nhận định, trong thời gian tới đối với Việt Nam, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện có thể không nhiều, tập trung vào chính giữa mùa, nhưng diễn biến phức tạp, trái quy luật.
Ngoài ra, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho tới hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Thời gian đỉnh điểm của El Nino có thể xảy ra trong mùa 3 tháng từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 với xác suất El Nino có cường độ mạnh.
Cùng với đó, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%. Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ , hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.