Long Mai ·
2 năm trước
 3282

Mỹ: Nắng nóng cực đoan cảnh báo nhiều nguy cơ bùng phát

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự kết hợp nguy hiểm giữa nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài. Cảnh báo nước Mỹ đang tụt lại phía sau trong việc ứng phó với số vụ cháy rừng kỷ lục có nguy cơ bùng phát trong năm nay.

Hiện tượng "vòm nhiệt" gây nắng nóng kỷ lục ở Mỹ

Mỹ đã ghi nhận 63 ca tử vong tại bang Oregon liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan trong đợt nắng nóng tồi tệ nhất vào hồi tháng 6. Trong số các ca tử vong trên có 45 ca được ghi nhận ở hạt Multnomah, nơi có thành phố Portland, kể từ ngày 25/6.

Tiến sĩ Jennifer Vines, cán bộ Y tế hạt Multnomah nhận định đây là "một cuộc khủng hoảng y tế thực sự", cho thấy mức độ nguy hiểm của một đợt nắng nóng khắc nghiệt. Điều này có thể tái diễn khi mùa Hè tại khu vực Bắc Mỹ ngày càng nóng hơn.

nắng nóng cực đoan tại mỹ

(Nguồn: Getty Images)

Theo đó, vào cuối tháng 6 vừa qua, nhiệt độ ở Washington và Oregon đã tăng vọt trên 38 độ C. Trong nhiều ngày liên tiếp, thành phố Portland thiết lập mức nhiệt cao nhất mọi thời đại với nhiệt độ cao nhất đo được ở mức 47 độ C vào ngày 27/6.

Trong khi đó, nhiệt độ tại hạt Chelan ở phía Đông thành phố Seattle cũng lên tới 48 độ C vào ngày 29/6. Tại thành này, các bác sĩ ghi nhận một loạt trường hợp bị say nắng, trong đó có ít nhất 2 bệnh nhân tử vong vì tăng thân nhiệt.

Nhiệt độ tăng vọt ở các khu vực thung lũng, vùng núi và sa mạc của bang California làm dấy lên lo ngại về nguy cơ cháy rừng bùng phát trong điều kiện thời tiết khô hạn và gió mạnh.

Nguyên nhân của đợt nắng nóng hoành hành tại Mỹ được các chuyên gia khí tượng nhận định là do “vòm nhiệt” - một hiện tượng thời tiết giữ nhiệt độ lại ở một khu vực và ngăn các hệ thống thời tiết khác di chuyển đến.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Clare Nullis: “Sức nóng sinh ra do mô hình ngăn chặn khí quyển. Điều này có nghĩa là những nền nhiệt độ cao tập trung ở một khu vực cụ thể. Thông thường sẽ có luồng khí cản từ vành đai gió chuyển động cao, làm thay đổi hệ thống thời tiết này, song hiện tượng này lại không xảy ra như vậy. Hậu quả là bạn hãy tưởng tượng nó gần giống như hiệu ứng nồi áp suất, khiến chúng ta phải chứng kiến nền nhiệt rất cao đến vậy”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo biến đổi khí hậu đang dẫn đến “sự kết hợp nguy hiểm của nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài”, khiến giới chức trách nước này phải chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ số vụ cháy rừng có thể gia tăng đến mức kỷ lục trong năm nay.

Hàng triệu người gặp nguy hiểm do thời tiết cực đoan

Đầu tháng 8 vừa qua, ít nhất 150 triệu người dân Mỹ đứng trước nguy cơ mất an toàn trước hình thái thời tiết cực đoan.

hạn hán

Nắng nóng khiến hồ Mendocino gần Ukiah, California cạn nước. (Ảnh: AP)

Theo đó, nắng nóng đã hình thành dọc thung lũng sông Mississippi, với mức nhiệt phổ biến trên 37,8 độ C kéo dài từ bang Texas tới Illinois. Ở một số thành phố lớn như Little Rock (Arkansas) hay Memphis (Tennessee), nhiệt độ thậm chí còn trên 40,5 độ C.

Tại miền Tây Bắc, nền nhiệt sẽ vượt 37,8 độ C ở các vùng Oregon, Idaho và Bắc California. Riêng tại Portland, Oregon, người dân thành phố này sẽ phải đón nhận nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ được dự báo vượt 41,7 độ C trong ngày 12/8.

Ngoài nắng nóng, Mỹ còn phải đối mặt với lốc xoáy ở vùng Trung Tây và bão nhiệt đới trên biển Caribbean.

Nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề

Báo cáo được công bố ngày 31/8 của Hội đồng Atlantic - một tổ chức nghiên cứu ở Washington cho thấy, thiệt hại kinh tế hàng năm ở Mỹ có thể lên tới 500 tỉ USD vào năm 2050, sẽ tác động bất cân xứng đến những cộng đồng thiểu số.

Theo đó, Mỹ có thể ghi nhận tới 59.000 ca tử vong do nắng nóng mỗi năm đến năm 2050 nếu những hành động ứng phó biến đổi khí hậu chỉ được duy trì như hiện nay, đặc biệt ở những khu vực như Arizona, miền Nam bang California và Tây Nam bang Texas.

cháy rừng

Khói lửa cháy rừng bốc ngùn ngụt tại Greenville, California (Mỹ) ngày 5/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi những yếu tố làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu có thể tránh được, báo cáo nhận định Mỹ sẽ thiệt hại trung bình khoảng 100 tỉ USD mỗi năm về năng suất lao động do nắng nóng cực đoan, dựa trên các xu hướng lịch sử và dữ liệu kinh tế năm 2020.

Nếu không có những nỗ lực cắt giảm khí thải đáng kể hoặc thích ứng với nhiệt độ ấm hơn, khoảng 30% dân số Mỹ dự kiến vào năm 2050 có thể phải trải qua 100 ngày mỗi năm với nhiệt độ tối đa hàng ngày có thể lên tới 32 độ C.

Tỉ lệ trên cao gấp 6 lần tỉ lệ người bình thường phải đối mặt nếu không tính đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Nguồn