Thanh Loan ·
3 năm trước
 2973

Myanmar: Diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp

Dữ liệu vệ tinh của Đại học Maryland, Hoa Kỳ cho thấy có sự gia tăng đáng kể trong việc phát quang rừng ở các khu vực phía Bắc vùng Tanintharyi thuộc miền Nam Myanmar, bao gồm cả khu vực đang được bảo vệ.

Theo nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí The European Journal of Development Research, hầu hết các khu rừng tự nhiên nguyên vẹn còn lại ở huyện Dawei (Myanmar) đều nằm trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tanintharyi. Tuy nhiên, dữ liệu của GFW chỉ ra rằng năm 2020 có mức độ mất rừng nguyên sinh cao thứ hai trong khu bảo tồn kể từ khi hoạt động giám sát rừng được bắt đầu vào năm 2002. 

Dữ liệu sơ bộ trong năm 2021 đến nay cho thấy, tình trạng mất rừng trong khu vực phía Bắc huyện Dawei nhìn chung đã giảm. Tuy nhiên, nạn phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng dọc theo các khu vực hiện tại cũng như các khu vực trước đây chưa bị xáo trộn.

cháy rừng

Rừng bị chặt phá gần đây ở Tanintharyi, nơi các nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng bao gồm mở rộng các đồn điền trồng cọ dầu, cao su và trầu thương mại cùng với canh tác nhỏ lẻ. (Ảnh: FFI-Myanmar)

Hầu hết các vụ phá rừng gần đây đều diễn ra bên trong ranh giới phía Nam khu bảo tồn, trùng hợp với sự lan rộng của các khu rừng bị đốt cháy trong quý đầu tiên của năm 2021. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các cuộc xâm nhập mới vào rừng nguyên sinh dọc theo một con đường kết nối Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tanintharyi với thị trấn Kameik. 

Theo các chuyên gia, khu bảo tồn thiên nhiên được chính phủ thúc đẩy để đảm bảo quyền kiểm soát lãnh thổ đối với khu vực đường ống rộng lớn từ các nhóm dân tộc hơn là để bảo tồn đa dạng sinh học.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Địa lý Ứng dụng vào đầu năm 2021 đã báo cáo rằng nạn phá rừng trên khắp Tanintharyi từ năm 2002 đến năm 2016 là do việc mở rộng các đồn điền trồng cọ dầu, cao su và cau thương mại cùng với canh tác nông hộ.

Nghiên cứu cho thấy việc mở rộng nông nghiệp sản xuất nhỏ có thể là do các đồn điền trồng cọ dầu thương mại mới ở Tanintharyi lấn chiếm đất nông nghiệp của dân làng. Do mất khả năng tiếp cận đất đai, nhiều nông dân phải di dời và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá rừng trồng cây.

Bên cạnh các hoạt động trồng cao su, cọ dầu, việc phát triển cơ sở hạ tầng cho Đặc khu Kinh tế Dawei (SEZ) cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm đất đai và gây áp lực lên những khu rừng còn nguyên vẹn trong khu vực.

Nguồn