Năm 2022, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Đặc biệt, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh:ITN)
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải…
Năm 2023, dự báo thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức do khủng hoảng khí hậu, môi trường… Trong bối cảnh đó, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đặt trọng tâm năm 2023 là năm “Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm ngành đặt ra là: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, từng bước phục hồi các hệ sinh thái; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai; triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác, tận dụng các thời cơ, chuyển hóa các thách thức, đưa đất nước phát triển trên con đường xanh, chủ động ứng phó trước các thách thức của biến đổi khí hậu; hiện đại hóa hạ tầng không gian địa lý; ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường.
Đổi mới đồng bộ thể chế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thiện, đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống hạ tầng thông tin, dữ liệu, mạng lưới quan trắc; thực hiện chuyển đối số ngành tài nguyên và môi trường…
Phát biểu và chỉ đạo hội nghị, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường đã đề nghị toàn ngành cần quyết tâm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát các kế hoạch hành động phù hợp với tình hình mới, hoàn thành công tác lập phê duyệt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất, tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế, tiếp tục giải quyết các vướng mắc, giải phóng các nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực xã hội cho phát triển. Nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18 - 20% thu ngân sách nội địa.
Chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường, hoàn thành mục tiêu 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Năm 2023, 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. (Ảnh: ITN)
Đến nay, đã có 2 dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao được thành phố chấp thuận đầu tư và hiện đang đôn đốc hoàn thành là: Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày -đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, vận hành trong năm 2021; Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/ngày - đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, dự kiến vận hành từ tháng 4-2023.
Việc chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, như năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, công việc phù hợp và tăng trưởng kinh tế, các thành phố và cộng đồng bền vững cũng như hoạt động khí hậu.