Huyền My ·
1 năm trước
 3589

Nam Định: Nhiều chính sách, định hướng cụ thể về quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn

Xuất phát từ thực trạng và nhu cầu cần xử lý rác thải trên địa bàn, UBND tỉnh Nam Định đã có nhiều chính sách, định hướng cụ thể về quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn.

Cụ thể, Kế hoạch số 87/KH-UBND về thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 2081/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025”. Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày của UBND tỉnh về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn...

Tình trạng chôn lấp và xử lý rác không đúng quy chuẩn. Ảnh minh họa

Theo đó, Nam Định đã triển khai mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình với cách làm rất thiêt thực. Cụ thể, bước 1 là lựa chọn các hộ tham gia thực hiện mô hình. Theo đó, Hội Nông dân cơ sở triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những thông tin cơ bản về mô hình cho cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn; Tổ chức họp dân chọn cử hộ hội viên nông dân tham gia xây dựng mô hình. Trong đó phổ biến mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình; đưa ra các tiêu chí lựa chọn hộ hội viên tham gia thực hiện. Bước 2 là tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt; hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho các hộ tham gia mô hình. Trong đó, nội dung tập huấn tập trung các nội dung Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; Hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Hướng dẫn quy trình kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình. Bước 3 là hỗ trợ trang thiết bị cho các hộ tham gia mô hình: gồm nắp đậy hố ủ rác hữu cơ và chế phẩm vi sinh hỗ trợ xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón. Bước 4 là kiểm tra, giám sát.

Tất các các bước trên, Hội Nông dân tỉnh đều cử cán bộ phụ trách theo dõi các hoạt động của mô hình. Hàng tháng tiến hành kiểm tra quá trình thực hiện việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ tham gia mô hình; đồng thời hướng dẫn trực tiếp cho các hộ về quy trình kỹ thuật, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Đối với trường hợp người dân sử dụng trang thiết bị hỗ trợ không đúng mục đích, cán bộ kỹ thuật đề nghị Hội Nông dân xã vận động hộ thực hiện đúng quy định của mô hình hoặc bàn giao trang thiết bị cho hộ hội viên khác có nhu cầu sử dụng.

Với cách làm bài bản trên, mô hình đạt hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ cao với chi phí thấp, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể, qua thực hiện mô hình đã giúp giảm thiểu 60 - 70% lượng rác thải được đưa tới các khu vực tập kết, xử lý rác thải; giảm áp lực cho công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải tập trung trên địa bàn, nâng cao hiệu quả xử lý rác thải; giảm các tác nhân ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân. Lượng rác thải hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ sử dụng vào trồng trọt, giúp người dân tiết kiệm chi phí chăm sóc cây trồng, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh trong sản xuất nông nghiệp. Hội viên nông dân tham gia mô hình nắm vững các kiến thức, kỹ năng phân loại rác sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ thành phân bón, qua đó tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng dân cư xung quanh, xây dựng ý thức tự giác phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.