Qua báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 cho thấy, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày (13.002.592 tấn/năm), chiếm khoảng 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước, trong đó TP.HCM và Hà Nội có khối lượng CTRSH đô thị phát sinh lớn nhất.
Đối với chất thải rắn công nghiệp, nguồn thải này phát sinh chủ yếu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, với khối lượng khoảng 25 triệu tấn/năm. Ngoài ra, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ hoạt động làng nghề theo thống kê chưa đầy đủ vào khoảng 14 - 17 tấn/ngày.
Báo cáo cũng chỉ rõ chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp gồm các loại bao gói (ni lông che phủ, bao bì phân bón và bao bì thuốc BVTV sau sử dụng…), chất thải chăn nuôi và phụ phẩm cây trồng... Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ NN&PTNT, năm 2019, ước tính có 438.032 kg bao. Mỗi năm, lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi (bao gồm phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm…) trên cả nước khoảng 85 - 90 triệu tấn, lượng phụ phẩm cây trồng phát sinh gần 95 triệu tấn.
Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý chất thải, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thu gom, phân loại.
Theo báo cáo từ các địa phương, một số đô thị đặc biệt, đô thị loại I có tỷ lệ thu gom tại khu vực nội thành ở mức cao như Đà Nẵng (100%), Hải Phòng (98 - 99%), Hà Nội (93 - 94%), Thành phố Hồ Chí Minh (91%). Khu vực nông thôn có tỷ lệ thu gom trung bình đạt khoảng 63%, phần lớn CTRSH được xử lý bằng hình thức chôn lấp (chiếm 70% tổng lượng CTRSH được xử lý).
Đến nay cả nước đã có 59/63 tỉnh/thành phố phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ. 42/63 tỉnh/thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như các tỉnh Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...
Đối với công tác xử lý chất thải rắn công nghiệp, đến hết năm 2020, cả nước có 117 cơ sở xử lý CTNH đã được Bộ TNMT cấp phép, với tổng công suất xử lý khoảng 2 triệu tấn/năm. Tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 85% (tăng khoảng 6 điểm % so với năm 2017); trong đó có 04 địa phương đạt 100%, ngoại trừ Thái Nguyên và Bắc Giang có tỷ lệ thấp hơn 85%, các địa phương còn lại đều đạt >85%.
Đối với một số loại chất thải rắn đặc thù như tro xỉ, thạch cao, việc đảm bảo yêu cầu môi trường khi thực hiện tái chế đã được quan tâm triển khai. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất và vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng”.
Tính đến cuối năm 2021, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước khoảng 48,4 triệu tấn, đạt trên 50% tổng lượng phát thải từ trước tới nay (tăng hơn 7% so với thời điểm cuối năm 2020). Nhiều nhà máy nhiệt điện đã tiêu thụ 100% lượng tro xỉ thải ra trong năm, đặc biệt, có những nhà máy đã tiêu thụ được cả phần tro, xỉ tồn trữ tại bãi chứa (các nhà máy nhiệt điện: Cẩm Phả 241%, Quảng Ninh 132%, Cao Ngạn 105%, Nghi Sơn 109%, Formosa Hà Tĩnh 106%).
Mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường đã chậm lại, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề môi trường chưa được giải quyết như: ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn; xử lý CTRSH chưa hiệu quả, phần lớn được chôn lấp trực tiếp; nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Do vậy định hướng công tác bảo vệ môi trường đến năm 2025 đối với công tác xử lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tới các nhiệm vụ chủ yếu như: Hoàn thiện, triển khai các đề án về: tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam; tăng cường năng lực quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; Rà soát, hoàn thiện và triển khai các kế hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030: Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí; Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
Triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có các nhóm quy chuẩn mới như quy chuẩn về quản lý chất thải (đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý CTRSH); quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông vận tải; quy chuẩn về giới hạn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; tăng cường các biện pháp phòng ngừa nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; chủ động giám sát các đối tượng, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường Tập trung kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các KCN, CCN, làng nghề; yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đẩy mạnh công tác xử lý triệt để ô nhiễm tại các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng tại “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030"
Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý CTRSH, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo hướng tiệm cận các nước tiên tiến, hiện đại và phù hợp với điều kiện trong nước; hoàn thiện việc xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; xây dựng quy định về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải.
Thúc đẩy các hoạt động xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao, chất thải công nghiệp thông thường khác theo quy định; nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích và quy định kỹ thuật/quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với việc đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng...
Hiện nay, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH để thu hồi năng lượng phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý. Trong các cơ sở xử lý CTRSH, có 78 cơ sở cấp tỉnh, còn lại là các cơ sở xử lý cấp huyện, cấp xã, liên xã. Trên tổng khối lượng CTRSH được thu gom, khoảng 71% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bã thải từ các cơ sở chế biến compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% được xử lý bằng phương pháp đốt. Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Kết quả rà soát năm 2019 cho thấy, trong số 381 lò đốt CTRSH, chỉ có 294 lò đốt (khoảng 77%) có công suất trên 300 kg/h, đáp ứng yêu cầu của QCVN 61-MT:2016/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH). Với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, hiệu quả, quy mô cấp huyện, liên huyện. |