Thế là đã tròn 3 năm, kể từ khi Bộ Công Thương bắt tay vào thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) nhưng đến nay, bản quy hoạch ấy vẫn chưa ra đời.
Sự chậm chạp ấy cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, bởi tầm quan trọng của chiến lược an ninh năng lượng quốc gia trong vài chục năm tới đã đòi hỏi trong quá trình xây dựng quy hoạch phải có những bước hết sức bài bản, từ tầm vĩ mô đến tầng vi mô, từ Trung ương đến địa phương, rồi lại phải hài hòa từ lợi ích quốc gia đến lợi ích người dân và lợi ích doanh nghiệp...
Cho đến hôm mới đây, tại Hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 11/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị Thủ tướng sớm phê chuẩn Quy hoạch điện VIII. Theo ông Diên, sau Quy hoạch điện VIII còn có kế hoạch, sau đó còn giúp cho các địa phương bổ sung quy hoạch vùng, tỉnh.
Đến đây, cứ ngỡ rằng việc trễ nải đến 3 năm trời để ra đời một bản quy hoạch cho 10 năm kế hoạch (2021 - 2030) nằm ở tít trên thượng tầng, nhưng không phải. Tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá rằng, cần phải làm rõ hơn tất cả 5 khâu quan trọng liên quan đến điện, đó là nguồn, truyền tải, phân phối, sử dụng và cái cuối cùng rất quan trọng là "giá điện làm sao phải cạnh tranh". Ông khẳng định: “Nguồn nào cũng được, nhất là năng lượng sạch, điện gió và mặt trời càng nhiều càng tốt, nhưng vấn đề cuối cùng giá thế nào. Giá điện không thể nào gấp đôi giá các nguồn điện khác, mà chúng ta lại sử dụng nguồn điện này".
Thủ tướng cũng đã đặt vấn đề làm sao để có giá ổn định, cạnh tranh để người dân, doanh nghiệp hưởng sự cạnh tranh này một cách hiệu quả nhất. Ông nhấn mạnh: "Tôi đề nghị làm rõ chỗ này, chưa rõ thì chưa duyệt. Tất nhiên phải làm nhanh, có hiệu quả".
Thế là đã rõ, vấn đề ổn định giá (xin nói thêm, ổn định ở đây không có nghĩa là đông cứng, là áp đặt, mà là khoa học, là cạnh tranh, là tôn trọng quy luật của thị trường) đã trở thành chìa khóa cốt lõi cho việc hoàn thiện bản quy hoạch chiến lược này.
Xin nói một chút về việc phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch của Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là năng lượng gió và điện mặt trời.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ từ hồi tháng 12/2015, tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Thế nhưng ngay trong thời gian đó, thực tiễn ở Việt Nam lại dường như đang chứng minh ngược lại. Bởi lẽ tại cuộc hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức cho biết, trong tương lai, nhiệt điện than ở Việt Nam vẫn giữ một tỷ lệ trọng yếu, chiếm tới 55% sản lượng điện mỗi năm. Lý do rất đơn giản: không có nguồn điện năng khác thay thế!
Theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2020 chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và đến năm 2025, riêng điện than có tổng công suất khoảng 45.800 MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than(!).
Chúng ta thử tưởng tượng với lượng than đốt hằng năm “khủng” như vậy, liệu có bao nhiêu triệu tấn chất thải rắn và khí độc hại thoát ra môi trường? Và liệu cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm lượng phát thải khí nhà kính tại COP 21 sẽ được thực hiện bằng con đường nào?
Bước đột phá đầu tiên cho việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam phải kể đến khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, trong đó yêu cầu EVN có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh), dòng tiền đầu tư chảy vào lĩnh vực này mãnh liệt chưa từng có.
Với “cú huých” về cơ chế này, chỉ chưa đầy 3 năm sau, tức là năm 2020, vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời lên đến 29.900 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2019. Về tín dụng, tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỷ đồng cho vay năng lượng tái tạo, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời. Tại sao lại xuất hiện một làn sóng đầu tư như xuất hiện một cơn sóng thần như vậy?
Nguyên nhân cũng dễ hiểu, trước đó ít lâu, một thông tin “khủng” được phát đi đã làm chấn động giới đầu tư năng lượng toàn cầu: Vương quốc Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời. Công ty Dubai Electricity and Water Authority (DEWA) đã nhận được mức bỏ thầu cho dự án Nhà máy điện Mặt trời Sheikh Maktoum Solar Park Phase III với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3,00 US cent/kWh (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi kWh điện.
Tại thời điểm mở thầu, DEWA chỉ dự định cho một cơ sở sản xuất 200 MW điện xoay chiều, nhưng với kết quả này, trong những giai đoạn tiếp theo, dự án đang có tiềm năng trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 800 MW.
Kỷ lục này đã mở toang cánh của không chỉ trong nhận thức mà dự báo cả trong làn sóng đầu tư trong tương lai của loài người về lĩnh vực năng lượng mặt trời. Nó chắc chắn sẽ làm chấn động không chỉ ở những nước giầu có mà ngay với Việt Nam, một quốc gia đang có nguồn tài nguyên vô hạn trong lĩnh vực này.
Tuy đây chỉ là thông tin ban đầu và có thể chỉ mới xuất hiện trong một môi trường đầu tư một dự án cụ thể, nhưng có lẽ mức chênh lệch giá điện mặt trời kia đã trở thành một mục tiêu hấp dẫn, khiến các dự án đầu tư trong lĩnh vực này bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian ngắn chưa từng thấy. Chẳng thế mà xuất hiện một con số kinh hoàng, chỉ tính riêng năm 2020, vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời lên đến 29.900 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2019!
Rồi đến Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 diễn ra cuối năm 2021 (COP 26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…
Đây là những thông điệp mạnh mẽ hơn bao giờ hết của Việt Nam và chắc chắn sẽ là định hướng chiến lược cho lĩnh vực năng lượng của quốc gia trong tương lai.
Trở lại vấn đề mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra hoàn toàn dễ hiểu: “Nguồn nào cũng được, nhất là năng lượng sạch, điện gió và mặt trời càng nhiều càng tốt, nhưng vấn đề cuối cùng giá thế nào”.
Để hiểu hơn về vấn đề này, có lẽ nên quan tâm đến giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với thủy điện. Giá trung bình theo Biểu phí năm 2020 là 1.110 đồng, tương đương 4,75 cent/kWh.
Trong khi đó, giá mua điện gió và mặt trời đang được ưu đãi cao hơn rất nhiều, cụ thể là: Giá mua điện gió đối với các dự án trong đất liền là 8,5 cent/kWh (tương đương 1.927 đ/kWh); đối với các dự án điện gió ngoài khơi là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.322 đ/kWh). Giá mua điện mặt trời đối với các dự án vận hành trước ngày 31/12/2020 là 7,09 - 8,38 cent/kWh (tương đương 1.679 - 1.965 đ/kWh). Riêng đối với các dự án vận hành trước ngày 30/6/2019 còn được hưởng mức giá rất cao là 9,35 cent/kWh (tương đương 2.215 đ/kWh trong vòng 20 năm)...
Sự khác biệt này rất cần có lời giải thích thuyết phục trong Quy hoạch điện VIII.
Thế mới biết, tuy năng lượng xanh sạch là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở nhiều nước trên thế giới, nhưng để đến được với chúng quả là bài toán không hề dễ dàng.