Vi Trinh ·
2 năm trước
 2144

Nắng nóng kỷ lục tại miền Tây nước Mỹ, cảnh báo nguy cơ về sức khoẻ

Cơ quan y tế Mỹ cho biết, đợt nắng nóng kéo dài vừa qua cùng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 116 người chỉ riêng tại bang Oregon.

Cơ quan quản trị khí hậu và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết tháng 6 vừa qua, Mỹ đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong 127 năm qua, với nhiệt độ trung bình trong tháng 6 tại Mỹ là 72,6 độ F (22,5 độ C), cao hơn 4,2 độ so với mức trung bình, vượt kỷ lục mà NOAA ghi nhận vào tháng 6/2016 là 71,7 độ F (22 độ C). NOAA cho biết trong tháng 6 vừa qua, có 8 bang của Mỹ ghi nhận đây là tháng 6 nóng nhất, trong khi có 6 bang ghi nhận đây là tháng nóng thứ 2.

nắng nóng kỷ lục tại mỹ

Nắng nóng gây cháy rừng ở Oregon. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ cũng đã phát đi cảnh báo về đợt nắng nóng tại khắp các bang miền Tây với dự báo đợt nắng nóng kéo dài đến tối 12/7 (giờ địa phương) với nhiệt độ tại nhiều địa phương có thể lên tới 40 độ C. Cụ thể, các bang Washington, New Mexico, Colorado, Oregon, Idaho, Nevada, Utah và Arizona có thể hứng chịu cái nóng từ 38 đến 40 độ C. Riêng thung lũng Tử thần thuộc bang California có thể trải qua nhiệt độ lên tới 54 độ C.

Do ảnh hưởng của thời tiết nóng nực, Cơ quan dự báo thời tiết Mỹ cũng cảnh báo người dân cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ bị các bệnh về nắng nóng.

Trước đó, Cơ quan Giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus cũng công bố báo cáo cho biết, tháng 6 nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ phản ánh các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.

Trên toàn cầu, tháng 6 năm nay cùng với tháng 6/2018 trở thành tháng 6 nóng thứ tư trong lịch sử. Đối với châu Âu, tháng vừa qua là tháng 6 nóng thứ hai trong lịch sử, trong khi khu vực Siberia ở phía Bắc cũng trải qua một mùa hè cực kỳ oi bức.

Năm 2021 cũng dự kiến trong chuỗi năm nóng nhất

WMO lưu ý rằng năm 2021 cũng sẽ nằm trong chuỗi năm nóng nhất, bất chấp ảnh hưởng của quá trình hạ nhiệt tạm thời do La Niña gây ra, các tác động của nó thường mạnh hơn trong năm thứ hai. Cơ quan Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Do đó, vẫn còn phải xem mức độ làm mát liên tục do La Niña gây ra có thể tạm thời hạn chế xu hướng chung của sự ấm lên lâu dài trong năm 2021”.

Theo bản tin dự báo khí hậu toàn cầu hàng năm đến thập kỷ của WMO, có ít nhất 1/5 khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời vượt quá 1,5°C vào năm 2024. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, được ký kết vào tháng 12/2015 bởi 195 quốc gia, là ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nguồn