Biến đổi khí hậu là có thật và tác động của nó rõ ràng là tàn khốc. Kể từ tháng 1/2019 đã ghi nhận không dưới 30 hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu.
Mỗi sự kiện gây ra thiệt hại hơn 1 tỉ USD, với gần 10 sự kiện gây thiệt hại hơn 10 tỉ USD. Theo NASA, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất vào năm 2020 gắn với năm 2016 về năm nóng nhất được ghi nhận, khiến 7 năm qua trở thành 7 năm nóng nhất được ghi nhận.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em.
Một báo cáo thường niên công bố vào tháng 12/2020 của Dự án carbon toàn cầu (GCP) cho biết, ước tính tổng lượng phát thải khí carbonic (CO2) trên toàn thế giới giảm 2,4 tỉ tấn so với năm 2019, tương đương mức giảm kỷ lục 7%. Lượng phát thải CO2 giảm đáng kể ở các quốc gia và khu vực phát thải nhiều nhất thế giới như: Mỹ giảm 12%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 11%, Ấn Độ giảm 9%. Giới phân tích cho rằng, lượng phát thải CO2 giảm là do chính phủ nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.
Tuy nhiên, do thời gian tồn tại lâu dài của CO2 trong khí quyển dẫn tới sự gia tăng nồng độ khí nhà kính, khiến nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên. Theo Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố vào tháng 12/2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm vừa qua cao hơn khoảng 1,2°C so thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900). Mức tăng này cũng tương tự với con số công bố vào đầu tháng 1/2021 của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S). Với mức nền nhiệt đó, năm 2020 trở thành một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất trong lịch sử và cũng khép lại một thập kỷ có nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu.
Sự ấm lên của Trái Đất được ghi nhận đáng chú ý nhất ở khu vực Bắc Á, đặc biệt là Bắc Cực. Vào ngày 20/6/2020, nhiệt độ ở Thị trấn Verkhoyansk (thuộc Siberia, Nga, nơi được biết đến với cái lạnh cực độ) đã tăng vọt lên mức 38,0°C, đánh dấu nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở phía Bắc vòng Bắc Cực. Nhiệt độ tăng lên đã khiến cho băng biển ở khu vực Bắc Cực tiếp tục tan chảy. Viện Khí tượng Đan Mạch ghi nhận diện tích băng biển tại Bắc Cực trong tháng 10/2020 ở mức thấp kỷ lục trong ít nhất 40 năm qua, đạt 6,5 triệu km2 do nước biển ấm bất thường. Trong năm 2020, khối băng lớn thứ 2 thế giới là Greenland cũng đã mất đi 152 tỉ tấn băng do hiện tượng tan chảy. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng mực nước biển toàn cầu trong những năm gần đây.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nếu như các nước không có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện tốt mục tiêu ngăn biến đổi khí hậu, trong vòng 30 năm tới, thế giới sẽ phải chấp nhận làm quen với tình trạng thảm họa tự nhiên ngày càng dày đặc và khắc nghiệt, thậm chí vượt quá mức kiểm soát và ứng phó của con người. Người dân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, từ mất an ninh lương thực gia tăng cho đến hạn hán ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên. Số người sống ở các khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng từ 42% đến 95%, tương đương 2,7 đến 3,2 tỉ người. Người dân ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Á sẽ phải đối mặt với việc giảm lượng nước cung cấp nhiều nhất. Tại một cuộc họp báo Liên hợp quốc, nhận định "Thế giới đang đi chệch hướng, còn rất xa để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 1,5 độ C. Nếu mọi thứ vẫn như cũ, nhiệt độ sẽ tăng 3 đến 5 độ so với mức thời kì tiền công nghiệp” cũng được đưa ra.
Trước những nguy cơ trên và nhìn vào hành động thực tế của các quốc gia thì rõ ràng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần sự đồng thuận mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cần có những hành động thiết thực hơn.
Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam