Thúy Loan ·
3 năm trước
 3225

Ngân hàng có phương án 'tiếp sức' thông qua giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp như thế nào?

Hàng chục ngàn doanh nghiệp đã giải thể do dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp gây tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh, sản xuất,... của doanh nghiệp. Trước tình trạng này, ngân hàng đã có giải pháp gì?

Gần 80.000 DN giải thể trong 7 tháng đầu năm, nhiều DN không còn tiền để trả nợ ngân hàng. Tính trung bình mỗi tháng có đến gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Có thể nói, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid -19 kéo dài suốt 2 năm vừa qua. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và việc thực hiện giãn sách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, cộng đồng doanh đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, dịch Covid -19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc tạm đóng cửa, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch.

ngân hàng giãn nợ cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc chờ giải thể trong tháng 7/2021

Để vượt qua thử thách này, nhiều doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, NHNN cũng có phương án "tiếp sức" cho doanh nghiệp. 

Cụ thể, NHNN vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2020, và thông tư 03/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn cơ cấu nợ hơn.

Theo dự thảo, các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 đều sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời hạn này đã nới hơn so với mốc 10/6/2020 hiện nay. Đồng thời, NHNN cũng đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng, đến 30/6/2022, thay vì chỉ đến cuối năm 2021 này.

Gia hạn nợ lúc này như máy trợ thở, giúp các doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, tiếp tục có dòng tiền cho sản xuất. Theo ghi nhận từ VTV, đến cuối tháng 7, đã có trên 198.000 khách hàng được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, với dư nợ cho vay gần 310 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo thông tư sửa đổi không nên đưa ra những quy định chi tiết, cứng nhắc về từng mốc thời gian, để tránh nguy cơ sẽ tiếp tục phải sửa đổi khi đến hạn.

Dự thảo được NHNN đề xuất lấy mốc 30/6/2022 để gia hạn nợ, vì dựa trên kế hoạch của Chính phủ về chiến dịch tiêm chủng quốc gia, trong đó, phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm nay, đầu năm sau. Tuy nhiên, giả sử khi đó dịch có thể được kiểm soát, doanh nghiệp cũng mất ít nhất 1 năm mới có thể phục hồi. Vì thế, không kịp mốc 30/6 năm sau.

Mỗi khoản nợ được cơ cấu lại trong vòng 12 tháng. Nhiều NH cho rằng quy định này là bất cập, thay vào đó, nên cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu theo dòng tiền thực tế của doanh nghiệp bởi hiện nay, dù giữ nguyên nhóm nợ nhưng các NHTM vẫn phải trích lập dự phòng 100% trong vòng 3 năm đề đề phòng khoản vay biến thành nợ xấu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng sửa đổi thông tư chỉ giải pháp tình thế. Để giải quyết dứt điểm, Chính phủ cần cho phép khoanh nợ từ 1-2 năm cho 1 số nhóm khách hàng, để doanh nghiệp có thể tập trung nguồn vốn phục hồi sau dịch và ngân hàng cũng không chịu áp lực quá nhiều về rủi ro nợ xấu.

NHNN đang tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan cho dự thảo. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, sẽ sửa đổi thông tư theo hướng tích cực hơn, rõ ràng hơn về thời điểm cơ cấu nợ, đảm bảo hài hòa, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, an toàn cho hệ thống Ngân hàng, và ổn định kinh tế vĩ mô.