Vietcombank gần 2 tháng qua đã 3 lần giảm lãi suất tiết kiệm. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 – 2 tháng tại ngân hàng này còn 2,4%/năm, đây là mức thấp nhất từ trước đến nay. Với kỳ hạn 3 tháng là 2,7%/năm. Riêng kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 3,7%/năm và 4,8%/năm.
Tại BIDV, VietinBank và Agribank, lãi suất huy động vốn kỳ hạn 1-2 tháng cũng lùi về 3%/năm. Cả 3 nhà băng này áp dụng lãi suất cao nhất 5,3%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Techcombank công bố lãi suất huy động vốn mới nhất với kỳ hạn 1 tháng 3,25%/năm, kỳ hạn 6 tháng 4,65%/năm. Còn kỳ hạn 12 tháng lãi suất là 4,85%/năm.
Nhiều nhà băng khác như VPBank, Sacombank, ACB lãi suất huy động cao nhất cũng từ 4,9% - 5,9%/năm.
Mặc dù lãi suất giảm nhưng người dân vẫn gửi tiền ngân hàng vì họ cho rằng các kênh đầu tư khác đang khá rủi ro.
Có thể thấy, bất động sản đóng băng, giá vàng và cổ phiếu… biến động khó lường.
Nhìn vào thống kê của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho thấy, tính đến ngày 23/11, bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đã xuống 5,14%/năm, so với cuối năm 2022 giảm khoảng 2,7 điểm %.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty chứng khoán MB (MBS) cho thấy, một số ngân hàng có bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất so với tháng trước là Sacombank, ACB, SHB, LPBank…
Công ty chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm. Lí do là trong thời gian qua chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh.
Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng, nới lỏng tiền tệ
Theo báo cáo thị trường tài chính tiền tệ của Chứng khoán MBS, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không thực hiện thêm giao dịch nào trên thị trường mở (OMO), cùng với đó bơm trả lại hệ thống thanh khoản hơn 58.000 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Theo ước tính của MBS, tuần đầu của tháng 12 sẽ ghi nhận khoảng 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, toàn bộ lượng tiền NHNN đã hút sẽ quay trở lại hệ thống.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm và gần như đi ngang trong hai tuần trở lại đây, theo đó lãi suất qua đêm đã giảm xuống mức 0.1%. Lãi suất tại các kỳ hạn dưới 1 tháng khác cũng hạ nhiệt và đang giao dịch trong khoảng 0.2- 0.8%.
Theo chuyên gia của MBS, một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: thặng dư thương mại 11 tháng năm 2023 đạt mức ấn tượng 25,8 tỷ USD, lượng kiều hối dự kiến đạt 14 tỷ USD trong năm 2023, FDI thực hiện đạt 20,2 tỷ USD… sẽ góp phần giảm áp lực lên tỷ giá cuối năm.
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận thị trường và Chính sách vĩ mô, Chứng khoán VNDirect, trong giai đoạn cuối năm 2023 tỷ giá USD/VNĐ sẽ tiếp tục hạ nhiệt do Fed có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất và kỳ vọng tỷ giá USD/VNĐ sẽ dao động trong khoảng 24.300 - 24.400.
Ông Hinh nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng, như thặng dư thương mại cao kỷ lục, thặng dư tài khoản vãng lai cao, và FDI và kiều hối ổn định.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm. Lãi suất tiền gửi đã về mức thấp, như đã từng thấy trong giai đoạn COVID-19 (2021- 6 tháng đầu năm 2022) do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu. Tính đến tới ngày 31/10, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 7,39% so với đầu năm, cách xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023. Bên cạnh đó, Chính phủ còn thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Ông Hinh kỳ vọng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ ở mức 5,2%/năm vào cuối năm 2023. Theo đó, lãi suất cho vay cũng tiếp tục xu hướng giảm trong tháng cuối năm, nhờ vào chi phí huy động của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7147163028676725/?