Kim Chi ·
1 năm trước
 1326

Ngân hàng nào có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay?

Cuối tháng 11, các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Mức lãi trên 10%/năm trở nên phổ biến. Vậy ngân hàng nào có mức lãi suất cao nhất hiện nay?

Đứng đầu lãi suất cao nhất thị trường hiện nay là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) với mức lãi suất huy động lên tới 10,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng áp dụng cho tiền gửi trực tuyến.

Tại SaigonBank, khi gửi tiền các kỳ hạn 12, 18, 24, 36 tháng, khách hàng sẽ nhận được mức lãi 10%/năm. Một số kỳ hạn khác cũng được ngân hàng này niêm yết ở ngưỡng cao.

Xếp thứ 2 thị trường là  OceanBank với mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng cũng lên tới 10%/năm.

Tổng hợp các ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường hiện nay. (Đồ hoạ Trà My)

Xếp thứ 3 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động tiền gửi online cũng đạt mức 9,95%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng kể từ 28/11. Còn nếu gửi từ 6 tháng, lãi suất đã lên mức 9,9%/năm.

Cơn sốt tăng lãi suất tại các ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mức lãi suất từ 9% trở lên đã trở thành mức nền lãi suất mới của thị trường.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đưa lãi suất huy động online cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại MSB lên mức 9,9%/năm với kỳ hạn 15 và 24 tháng. Nếu gửi kỳ hạn 12 tháng lãi suất cao nhất là 9,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất cao nhất là 9,7%/năm.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) lãi suất huy động đã lên mức 9,4%/năm.

Với nhóm quốc doanh (Big4), lãi suất cao nhất hiện nay thuộc về Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) là 8,2%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng. Trong khi, lãi suất cao nhất tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 7,4%/năm, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là 7,9%/năm.

Với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất của nhóm Big 4 khá giống nhau, đều cao nhất là 7,4%/năm. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân lớn và nhóm quốc doanh hiện vào khoảng 1 - 2%, tùy từng kỳ hạn và hình thức gửi.

So với đầu tháng 11, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng khá nhanh, đẩy lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân lên mức 14 - 15%/năm, chưa kể các chi phí khác.

Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền ra thị trường nhưng mặt bằng lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng cao. Cụ thể vào cuối tuần qua, NHNN tiếp tục bơm ra thị trường hơn 3.582 tỷ đồng, 5 thành viên trúng thầu với lãi suất 6%/năm kỳ hạn 14 ngày. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp trong tuần qua. Tổng cộng NHNN đã bơm ra thị trường hơn 29.405 tỷ đồng mà không có phiên nào hút tiền về; nâng tổng lượng tiền bơm ra thị trường kể từ đầu tháng 11 đến nay lên 141.340 tỷ đồng, mà chỉ có 5 ngày hút về 50.000 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền bơm ròng ra thị trường từ đầu tháng 11 đến nay khoảng 91.340 tỷ đồng.

Trong khi nhiều ngân hàng liên tục tăng huy động lãi suất thì xuất hiện 2 ngân hàng giảm lãi suất tiền vay. Từ nay đến ngày 31/12/2022, HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm (chương trình đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau), với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng. Chương trình này được áp dụng đối với các khoản ký hợp đồng kể từ ngày 1/11 đến ngày 31/12/2022.

Vietcombank công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu kéo dài từ ngày 1/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất như 2 ngân hàng trên là hiếm hoi trong bối cảnh cuộc đua lãi suất càng về cuối năm càng nóng.