Thông tin này được ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I của Ngân hàng Nhà nước sáng 19/4.
"Ngân hàng Nhà nước đã sản xuất và có sẵn vàng trong kho. Ngay trong chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo chủ trương đấu thầu đến 15 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ chuẩn bị các công tác để tiến hành đấu thầu ngay trong thứ 2 tuần tới", ông Tuấn thông tin.
Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 11 năm, cơ quan này tổ chức đấu thầu vàng trở lại.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu vàng vào ngày 22/4.
Với chính sách đối với thị trường vàng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo với Thủ tướng về tổng kết Nghị định 24.
"Chúng tôi đã lấy ý kiến của các bộ ngành và trình lên Thủ tướng về chủ trương sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Thời gian qua, các chuyên gia, nhà kinh tế cũng đã đánh giá tích cực vai trò của Nghị định trong việc chống vàng hóa kinh tế nhưng cũng đã đến lúc cần xem lại sao cho phù hợp với điều kiện hiện nay", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vàng trang sức.
"Trong Nghị định 24 hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện điều này rồi. Những doanh nghiệp nào có hợp đồng gia công với nước ngoài, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu vẫn đang được thực hiện tại các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước, không có khó khăn vướng mắc gì", ông Tuấn nói.
Được biết, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng có thể tăng lên mức 2.500 - 2.600 USD/ounce Sáng nay 19/4, giá vàng thế giới đã lên mức 2.382 USD/ounce, tiếp tục tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị gia tăng trên thế giới, các nhà đầu tư tăng trú ẩn vào vàng. Theo dự báo của giới chuyên gia thế giới, nếu xung đột tiếp tục leo thang, giá vàng có thể tăng lên mức 2.500 - 2.600 USD/ounce. Ngược lại, nếu có lệnh ngừng bắn thì giá vàng có thể giảm xuống còn 2.200 USD/ounce. Cùng thời điểm này, tại thị trường trong nước giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại tăng tiếp theo giá thế giới, lên mức 75 triệu đồng/lượng mua vào, 76,9 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng so với sáng hôm qua. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC sáng nay lại giảm. Hiện Công ty vàng SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 81,8 triệu đồng/lượng, bán ra 83,8 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 200.000 đồng so với sáng hôm qua. Biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra đối với cả vàng nhẫn lẫn vàng SJC đều được giãn rộng lên mức 2 triệu đồng. Biến động ngược chiều của giá vàng SJC với thế giới giúp biên độ chênh lệch thu hẹp đáng kể. Hiện, giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 74 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC chưa tới 10 triệu đồng/lượng. |