PN ·
2 năm trước
 2861

Ngày Khí tượng thế giới 2022: ‘Cảnh báo sớm và Hành động sớm’

Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng với toàn nhân loại. Do đó, Ngày Khí tượng thế giới 2022 có chủ đề “Cảnh báo sớm để Hành động sớm”, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Hiểm họa toàn cầu gia tăng

Thời tiết, khí hậu và các hiện tượng cực đoan về nước đang diễn ra thường xuyên, với mức độ nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu. Nhiều người trên toàn thế giới đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa liên quan hơn bao giờ hết. Các hiểm họa này đang gia tăng do kết quả của sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đưa ra những phân tích, đánh giá về rủi ro gia tăng bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra đã và đang ảnh hưởng, đe dọa đến cuộc sống, sức khỏe của hàng tỷ người trên thế giới. Từ đó để kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đến tính cấp thiết của cảnh báo sớm khí tượng thủy văn nhằm hành động ngay lập tức để giải quyết các rủi ro khí hậu, giảm thiểu thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra.

Những dự báo về thời tiết sẽ không còn là đủ. Dự báo dựa trên các tác động thông tin cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra là rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Tuy nhiên, cứ ba người thì vẫn sẽ có một người chưa được thông tin đầy đủ bởi các hệ thống cảnh báo sớm.

Rủi ro gia tăng bởi biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng, đe dọa đến cuộc sống, sức khỏe của hàng tỷ người trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, dịch Covid-19 làm phức tạp hóa những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế ứng phó. Đại dịch cũng chỉ ra, trong một thế giới kết nối, cần áp dụng cách tiếp cận đa hiểm họa, xuyên biên giới để tạo ra những bước tiến hướng tới các mục tiêu toàn cầu về hành động khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững. Chuẩn bị sẵn sàng và có thể hành động đúng lúc, đúng chỗ, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở mọi nơi, cả trong hiện tại và tương lai.

Do đó, sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, các Cơ quan quản lý thiên tai và các Cơ quan phát triển là cơ sở để phòng chống và ứng phó tốt hơn.

*Trong số 22 loại hình thiên tai trên thế giới thì chỉ trừ sóng thần, Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai, khiến cho 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng từ 1-1,5% GDP.

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh tài nguyên nước, đến sự phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, quy mô dân số và nền kinh tế ngày càng lớn.

Vì vậy, việc cảnh báo và hành động sớm trong công tác thông tin khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai tại Việt Nam đã được duy trì và thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần khôi phục, tái thiết, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân sau thiên tai.

Nâng cao năng lực dự báo, giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2022 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề “Early Warning and Early Action. Hydrometeorological and Climate Information for Disaster Risk Reduction” - “Cảnh báo sớm và Hành động sớm. Thông tin Khí tượng Thuỷ văn và Khí hậu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.

Thông điệp này nhấn mạnh về vai trò của công tác thông tin, dự báo tác động, đồng thời cần phải phối hợp, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan Quản lý thiên tai và chính quyền địa phương. Đây là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu tốt hơn, góp phần bảo vệ cuộc sống và sinh kế bền vững cho người dân.

Ngày Khí tượng thế giới 2022 với chủ đề “Cảnh báo sớm và Hành động sớm. Thông tin Khí tượng Thuỷ văn và Khí hậu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai".

Để hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới 23/3, Tổng cục Khí tượng Thủy văn xây dựng bộ nhận diện truyền thông về Ngày Khí tượng thế giới 2022 và các tài liệu truyền thông; phim tài liệu “Vai trò của thông tin Khí tượng Thủy văn và Khí hậu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai” gắn với phản ánh thông điệp Ngày Khí tượng thế giới năm 2022; phản ánh rõ vai trò của thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như kêu gọi hành động của cộng đồng chủ động trước thiên tai. Đồng thời, cung cấp tài liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới về Ngày Khí tượng thế giới và các chuyên đề phục vụ công tác truyền thông của Bộ; phối hợp thực hiện các hoạt động, chương trình hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2022.

Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức hội thảo khoa học “Cảnh báo sớm, hành động sớm thông tin Khí tượng Thuỷ văn và Khí hậu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai” theo hình thức trực tuyến từ Hà Nội đến các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh, thành phố và phát sóng trên nền tảng báo điện tử, truyền hình trực tuyến trên Báo Tài nguyên và Môi trường.

Trao đổi về vấn đề này, theo GS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, Bộ TN&MT, các nghiên cứu và dự tính cho thấy, xu hướng tiêu của biến đổi khí hậu này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Khí nhà kính được ghi nhận đang ở mức kỷ lục, đây là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới, băng tan và mực nước biển dâng có thể kéo dài đến hàng thế kỷ. 

Đối với Việt Nam, thiên tai xảy ra với cường độ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Số cơn bão rất mạnh tăng dù tổng số cơn bão không đổi. Số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở Bắc Bộ. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước.

Để khắc phục những khó khăn trong công tác khí tượng thủy văn, đầu tiên là nguồn nhân lực, cần có sự tập hợp của những người có năng lực, tâm huyết với nghề và luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng cũng như tính phục vụ của các bản tin dự báo. Đồng thời, cần có các chính sách thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao (về cả khả năng tư duy khoa học cũng như sự tâm huyết với nghề) để các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ngày càng có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống cũng như sự phát triển chung của toàn xã hội.

Cùng với nguồn nhân lực là cơ sở khoa học kỹ thuật: Cần có sự đồng bộ về số liệu, nâng cao số điểm quan trắc để phục vụ công tác dự báo; cần có sự liên kết với các nước tiên tiến trong khu vực cũng như trên thế giới để học hỏi và phát triển các mô hình dự báo thời tiết, khí hậu,… Cuối cùng là đổi mới công tác truyền tin trên các nền tảng thông tin khác nhau và tăng cường công tác tuyên truyền, nhận thức về khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn, trong đó có cả hiểu biết đúng về các bản tin dự báo, cảnh báo để sử dụng hiệu quả cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Nguồn: Kinh tế Môi trường