Theo đó, thực hiện chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với ngành lâm sản và thủy sản, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, NHNN đã xây dựng chương trình hỗ trợ vốn tín dụng đối với 2 ngành nói trên và ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai thực hiện.
Trang trại nuôi tôm của ông Nguyễn Xuân Sơn, tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Cụ thể, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam: thấp hơn tối thiểu từ 1%- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Tổng gói tín dụng này có quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là gói 10.000 tỷ đồng).
Để góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ vốn tín dụng đối với 2 ngành lâm sản và thủy sản nêu trên, tại Công văn số 836/NGA-THKS ngày 18/7/2023, NHNN Chi nhánh Nghệ An yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn bám sát văn bản hướng dẫn của hội sở chính để triển khai thực hiện chương trình tại đơn vị theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình phù hợp với quy định của pháp luật, quy định nội bộ và quy mô hoạt động của đơn vị.
Đại diện NHNN Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho biết, các ngân hàng cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình bằng nguồn vốn huy động của ngân hàng; có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Đồng thời, thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với khoản cho vay thuộc chương trình theo quy định hiện hành.
Qua đó, NHNN Việt Nam chi nhánh Nghệ An cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ đạo có liên quan của NHNN Chi nhánh tại Văn bản số 666/NGA-THKS ngày 12/6/2023 về việc thực hiện các giải pháp tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Trước đó, tại hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận yêu cầu NHNN điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Được biết, hiện đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia Chương trình nói trên, bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). |