Sự phát triển của các khu kinh tế (KKT) biển, cụm công nghiệp ven biển… đã dẫn đến tập trung nhiều nhà máy, gia tăng nước thải, chất thải rắn, tăng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển miền Trung. Nghị định số 45/20022/NĐ-CP có nhiều điểm mới được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn. Trong đó, tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Nâng cao tính răn đe với hành vi xả trộm chất thải không qua xử lý. (Ảnh minh họa)
Mới đây, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp với Tổng cục Môi trường, Thanh tra Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT); trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Luật BVMT năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Nghị định này có nhiều điểm mới, quy định về các hành vi liên quan đến thủ tục pháp lý môi trường.
Cụ thể, trong quá trình triển khai các thủ tục pháp lý về môi trường như tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn, ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt… theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vẫn còn một số vướng mắc, bất cập giữa thực tiễn của TP.HCM với quy định của pháp luật. Một trong những nguyên nhân là về “cách hiểu” khác nhau dẫn đến cách thức tổ chức, triển khai khác nhau.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, Hội nghị triển khai Nghị định số 45 có ý nghĩa quan trọng, để cùng tập trung cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ các vấn đề còn vướng mắc, cũng như đánh giá cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan là do đặc thù của TP.HCM, do tổ chức thực hiện hay do cơ chế, chính sách… liên quan đến các thủ tục pháp lý về môi trường.
Cùng với đó, đây là cơ hội để đội ngũ cán bộ nắm bắt rõ hơn các quy định của pháp luật, hoàn thiện thêm kỹ năng nghiệp vụ về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT để đi đến thống nhất cách làm giữa các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính của thành phố.
Có thể thấy, một trong những điểm vướng mắc được đặt ra tại hội nghị là việc phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, TP.HCM đã quyết định sửa đổi cách phân loại rác thành hai nhóm gồm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 75 Luật BVMT 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo ba loại sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Điểm vướng ở đây là hiện TP.HCM cũng không biết việc xử phạt sẽ áp dụng theo cách phân loại rác thành hai loại theo quyết định của TP, hay ba loại theo Luật BVMT.
Giải đáp vướng mắc này, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết: Trong Nghị định 45 có đưa ra hình thức chế tài không phân loại rác tại nguồn theo quy định. Trong luật có giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể. Như vậy, sau này sau khi địa phương ban hành quy định triển khai cụ thể việc cá nhân, hộ gia đình phân loại không đúng mới áp dụng chế tài.
Ông Thịnh nói: “Nhiều địa phương cho rằng quy định việc phân loại có thể phù hợp với một số địa bàn nhưng một số địa bàn khác sẽ không phù hợp. Do đó, liên quan vấn đề phân loại sẽ giao cho UBND cấp tỉnh đưa ra quyết định trên cơ sở điều kiện đặc thù của từng địa phương”.
Tại Hội nghị, Ths. Nguyễn An Thuỷ, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ những thông tin về các mức xử phạt tại Nghị định, trong đó tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường như: xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường… đến mức tối đa (01 tỷ đồng đối với cá nhân; 02 tỷ đồng đối với tổ chức).
Song song đó, giảm mức phạt đối với các nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương như: chiến sỹ công an (phạt tối đa 500.000 đồng) hoặc trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an (phạt tối đa 2,5 triệu đồng).
Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng) và hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng) có thể áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản.
Về biện pháp xử phạt bổ sung, tại Nghị định, bổ sung quy định biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như:
Các vi phạm xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường kéo dài; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị đình chỉ hoạt động...
Việc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân đó không đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.