"Máy in tiền"
Rogers, giám đốc chiến lược tại Blockware Solutions, một công ty chuyên khai thác bitcoin đang mở rộng nhanh chóng ở phía đông Kentucky cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng số hóa than đá."
Trong năm qua Rogers, một cựu nhà đầu tư mạo hiểm, đã đi khắp Appalachia, để tìm kiếm các điểm khai thác bitcoin mới - cũng như nguồn nguyên liệu đủ mạnh để chạy các máy bitcoin.
Rogers nói: “Chúng tôi sở hữu một chiếc máy in tiền" trong khi nhìn vào mớ dây điện trải dài khắp những ngọn đồi dốc và kết nối với một cặp tòa nhà cũ rỉ sét, nơi nhóm của anh đang lắp đặt hàng loạt máy khai thác bitcoin do Trung Quốc sản xuất.
Khi việc xây dựng hoàn thành, cơ sở sẽ tạo ra tối đa ba bitcoin mỗi ngày - tương đương hơn 100.000 USD, đồng thời dùng nhiều điện hơn tất cả các ngôi nhà ở Belfry cộng lại, dựa trên ước tính từ Blockware Solutions.
Bitcoin và các loại tiền điện tử khác được tạo ra hoặc "khai thác" bởi các máy tính công suất cao cạnh tranh để giải các câu đố toán học phức tạp.
Đây là quá trình tiêu tốn rất nhiều năng lượng và chắc chắn là không thân thiện với môi trường, trừ khi máy móc được chạy bằng năng lượng tái tạo. Ở phía ngược lại, nhiều người ủng hộ việc đào bitcoin bởi nó giúp tạo công ăn việc làm cho những công nhân từng làm ở nhà máy mỏ cũ đang thất nghiệp.
Năm 2016, ngành khai thác than sử dụng trung bình hơn 6.000 nhân công mỗi mỏ, theo cơ quan Môi trường và Năng lượng Kentucky. Để so sánh, các hoạt động khai thác bitcoin chỉ cần một đội ngũ ít hơn chục người đứng ra bảo vệ và bảo trì máy móc tại một địa điểm.
Tuy nhiên, Kentucky hiện chỉ còn 4.000 thợ mỏ than - giảm mạnh so với mức cao nhất 50.000 người vào những năm 1970. Các thợ đào bitcoin khẳng định họ đang rót vốn đầu tư rất cần thiết vào các nền kinh tế địa phương.
Rogers cho biết, mỏ Belfry đi vào hoạt động sẽ cung cấp từ 5 đến 10 công việc toàn thời gian, trả 23 USD/giờ - gần gấp ba lần mức lương tối thiểu.
Nhiều nhà bảo vệ môi trường đang cố gắng ngăn chặn việc mở rộng các mỏ bitcoin ở Kentucky. Hoạt động khai thác bitcoin mỗi năm tiêu tốn nhiều năng lượng ngang với một quốc gia có quy mô tương đương Malaysia, theo ước tính của Đại học Cambridge.
Trung Quốc đã cấm tất cả các giao dịch và khai thác tiền điện tử vào tháng 9, với lý do lo ngại về năng lượng và các nhà lập pháp New York gần đây đã đưa ra dự luật cấm khai thác bitcoin, vì nó làm suy yếu các mục tiêu khí hậu của bang.
Tuy nhiên, Kentucky thì ngược lại, họ hy vọng sẽ thu hút được các thợ mỏ từ khắp nơi trên thế giới.
Thượng nghị sĩ bang Brandon Smith cho biết: “Tôi không thấy bất kỳ ai có thể cạnh tranh với Kentucky trong lĩnh vực khai thác bitcoin."
Vào năm 2021, ông Smith - người chủ trì ủy ban tài nguyên thiên nhiên tại thượng viện bang - đã dẫn đầu nhóm ủng hộ cho phép một gói ưu đãi thuế cho những người khai thác bitcoin. Luật đã được thống đốc ký vào tháng 3 cùng năm.
Dự luật có thể khiến người nộp thuế ở Kentucky thiệt hại khoảng 9 triệu USD mỗi năm do doanh thu thuế bị mất - mặc dù những người ủng hộ bitcoin nói rằng gói ưu đãi sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế rộng lớn hơn nhiều, chẳng hạn như việc làm và đầu tư.
Năm ngoái, thượng nghị sĩ Smith đã trở thành đồng chủ sở hữu của một mỏ khai thác bitcoin tại địa phương. Ông đã rút khỏi công ty vào tháng 2/2022 nhưng hiện vẫn đang làm việc tích cực để đưa Kentucky trở thành điểm nóng toàn cầu về khai thác bitcoin.
"Chúng tôi muốn giương cao một lá cờ và nói với (những người khai thác bitcoin) rằng hãy đến Kentucky", ông phát biểu.
Nguồn năng lượng dồi dào
Nhiều bang lớn ở Hoa Kỳ đang thu hút nhiều thợ mỏ bitcoin trong những tháng gần đây, nhưng Kentucky đang nổi lên như một thế lực lớn.
Theo nhà kinh tế học Alex de Vries, với nguồn cung cấp năng lượng nặng về nhiên liệu hóa thạch, Kentucky tạo ra nhiều carbon từ việc khai thác tiền điện tử hơn bất kỳ bang nào khác ở Mỹ.
Ông ước tính lượng khí thải carbon của bang là 3,1 megaton carbon dioxide mỗi năm, tương đương với việc chạy 650.000 phương tiện chở khách.
Điều đó khiến Lane Boldman, giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo tồn Kentucky lo lắng. Bà cho rằng nỗ lực mở lại các cơ sở khí đốt và than đã đóng cửa để cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp tiền điện tử có thể khiến công cuộc kiềm chế biến đổi khí hậu ở Mỹ đi thụt lùi.
Kentucky nằm ở vị trí kết nối của một số mạng lưới năng lượng trong khu vực và vào năm 2020, khoảng 70% năng lượng của bang đến từ việc đốt than, theo số liệu của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, bang cũng đang tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, Boldman cho biết. Một trang trại điện mặt trời đã được xây dựng ở hạt Martin, tạo ra hơn 250 megawatt điện sạch cho hàng chục nghìn gia đình.
Cùng lúc đó, các mỏ khai thác bitcoin cũng mọc lên khắp tiểu bang, chủ yếu là trên những mỏ than cũ, trong các khu công nghiệp cao trên núi và sâu trong những mỏ khí đá phiến nối với các giếng khí bỏ hoang.
Các nhà đầu tư từ New York, Texas và San Francisco đang chạy đua để tìm các địa điểm thích hợp trong tiểu bang, chẳng hạn như vùng Appalachian ở phía đông Kentucky, nơi có giá đất rẻ và năng lượng dồi dào.
Kể từ cuối năm 2021, ít nhất đã có 4 mỏ bitcoin đang có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng
Khủng hoảng môi trường
Một số người dân địa phương cảnh báo rằng sự bùng nổ khai thác bitcoin đi kèm với một cuộc khủng hoảng môi trường.
"Chúng tôi không có nước sạch ở nhiều vùng thuộc Appalachia - nhưng bây giờ lại có các mỏ bitcoin trị giá hàng triệu đô ư? Chuyện gì đang xảy ra ở đây?" Nina McCoy, một giáo viên sinh học đã nghỉ hưu ở Inez cho biết.
Ngôi nhà của McCoy nằm bên cạnh suối Coldwater Fork, một con sông nhỏ cách đây 20 năm là nơi xảy ra vụ tràn bùn than kinh hoàng khiến người dân trong thị trấn không dám dùng nước tại đây.
Cách nhà cô ở trên ngọn đồi, trên một mỏ than bỏ hoang, có một lò đốt rác bằng kim loại khổng lồ. Rác đốt cháy tạo ra năng lượng giúp những người khai thác bitcoin chạy máy của họ.
John Burke đồng sở hữu cơ sở đào bitcoin này, cho biết sau nhiều năm thử nghiệm, công nghệ biến chất thải thành năng lượng đã sẵn sàng cho thời gian đầu khai thác.
Burke phát biểu: “Một số người nói rằng nó có mùi giống như rác rưởi - nhưng nó có mùi giống như mùi tiền đối với tôi. Dự án gần đây đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của tiểu bang phê duyệt".
Ông cho biết lò đốt rác tạo ra hơn 7 megawatt điện mỗi tháng - đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 1.000 ngôi nhà.
Wes Hamilton, một doanh nhân địa phương, cho biết một khi một mỏ khai thác bitcoin được thiết lập xung quanh nhà máy đi vào hoạt động, thay vào đó, nguồn điện sẽ được chuyển đến nó. Phần lớn các hoạt động khai thác bitcoin ở Kentucky không tự tạo ra năng lượng mà dựa vào lưới điện sử dụng nhiều carbon của bang.
Cơ hội việc làm
Cơ sở lò đốt ở Martin County là một phần trong kế hoạch hồi sinh kinh tế dựa trên bitcoin đầy tham vọng của Hamilton - người đồng sở hữu một công ty khai thác bitcoin với thượng nghị sĩ Smith.
Hamilton nói: “Niềm đam mê của tôi là thay đổi bộ mặt kinh tế của khu vực này". Ông cho biết mình sở hữu các container vận chuyển chứa đầy hàng nghìn máy tính khai thác bitcoin.
Một báo cáo năm 2021 của Ủy ban khu vực Appalachian cho thấy 38 quận ở Kentucky đang "khó khăn" về kinh tế, hoặc nằm trong nhóm 10% các quận kém nhất của Hoa Kỳ về hiệu quả kinh tế.
Tỷ lệ hộ nghèo Quận Martin - tức những cá nhân sống với thu nhập dưới 28.000 USD/năm - là 30%, gần gấp ba lần mức trung bình toàn nước Mỹ.
Các nhà đầu tư từ khắp nơi trên đất nước đang đổ về quận, nơi Hamilton giới thiệu cho họ tầm nhìn của mình về việc khai thác bitcoin được cung cấp nhiên liệu hoàn toàn từ đốt rác.
"Tôi tiết kiệm 50.000 USD nhiên liệu chỉ bằng vài chiếc máy đốt rác, tại sao không?" - Adam Koehler, một nhà đầu tư bitcoin sống ở Cincinnati quan tâm tới mỏ của ông Hamilton nói.
Hamilton còn có kế hoạch mở một trung tâm đào tạo những người dân địa phương không có việc làm để sửa chữa các máy khai thác bitcoin bị hỏng do công ty Bitmain của Trung Quốc xây dựng. Đến nay đã có 7 kỹ thuật viên được đào tạo.
Core Scientific, một gã khổng lồ trong ngành khai thác bitcoin đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 44 triệu USD vào phía tây Kentucky vào năm 2018. Công ty cho biết sẽ tạo ra tổng cộng 35 việc làm và đang xin đơn ưu đãi tài chính từ Chính phủ Mỹ.