Bích Ngọc ·
50 tuần trước
 9909

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có cơ hội mua nhà trong nước

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đã chính thức được thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.

Theo các chuyên gia, Luật Kinh doanh Bất động sản có khá nhiều nội dung mới, sẽ tác động mạnh đến thị trường trong thời gian tới. Theo đó, một trong những điểm mới được ghi nhận phải kể đến việc bỏ phân biệt với Việt kiều khi mua bất động sản trong nước.

Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (còn giữ quốc tịch Việt Nam) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Người gốc Việt định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam) được áp dụng theo chính sách hiện hành.

Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý - bất động sản nhận xét, quy định này đã đồng bộ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch có quyền kinh doanh bất động sản, được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng như công dân Việt Nam ở trong nước. Qua đó sẽ giúp người Việt Nam định cư ở nước ngoài dễ dàng hơn trong việc sở hữu bất động sản trong nước, góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển, có thêm nguồn cầu.

Để mua được bất động sản trong nước, trước đây nhiều Việt kiều phải nhờ người thân đứng tên, dẫn đến những hệ lụy như kiện cáo, tranh chấp vì pháp lý thiếu minh bạch. Sửa đổi lần này ở Luật Kinh doanh Bất động sản đã tạo sự bình đẳng giữa người dân trong nước và kiều bào trong việc mua bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo Luật sư Lê Minh Phiếu - Giám đốc Công ty luật LMP, trước đây ông đã tư vấn cho nhiều Việt kiều về Việt Nam mua bất động sản nhưng phải theo kiểu sang nhượng hợp đồng, không được đứng tên trên sổ hồng. Những rào cản, khó khăn đó xuất phát từ nhiều vấn đề, đặc biệt là pháp lý.

Ông Peter Hồng - Việt kiều Canada, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho hay, nếu làm được điều này có thể giải cứu bất động sản bằng nguồn vốn kiều hối khi năm 2023 dự kiến có khoảng 19,2 tỷ USD vốn kiều bào về nước.

Nhiều người trong số này cũng cùng quan điểm, họ làm mấy chục năm ở nước ngoài, gửi tiền vào ngân hàng không lãi mà còn phải đóng phí nên muốn về Việt Nam đầu tư, mua bất động sản và xem đó như tài sản để dành cho thế hệ sau. Chính vì vậy, điểm mới tại Luật Kinh doanh Bất động sản vừa được thông qua sẽ góp phần khuyến khích để thu hút dòng vốn này.

Chủ đầu tư dự án bất động sản: Chỉ được thu tiền cọc không quá 5% giá bán

Về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (khoản 5 Điều 23), dự thảo luật được chỉnh lý để bảo đảm thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc, cùng với đó hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua, thường là bên yếu thế.

Cụ thể, dự thảo luật được chỉnh lý như sau: Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của luật này. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.

Về điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, có ý kiến cho rằng, để chuyển nhượng dự án bất động sản là phải có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua quá trình nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật, để bảo đảm quy định chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực chuyển nhượng dự án để tìm kiếm lợi nhuận và nguyên tắc chỉ bán, chỉ chuyển nhượng những gì mà người bán, người chuyển nhượng đã có.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ như dự thảo, cụ thể, chủ đầu tư chuyển nhượng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) đối với Nhà nước của dự án, phần dự án chuyển nhượng.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7146792342047127/?