Bích Hải ·
2 năm trước
 4303

Nguồn nước ngầm đang bị suy giảm trữ lượng và ô nhiễm nghiêm trọng

Nước dưới đất hay đôi khi còn được gọi là nước ngầm, là thuật ngữ chỉ loại nước nằm bên dưới bề mặt đất trong các không gian rỗng của đất và trong các khe nứt của các thành tạo đá, và các không gian rỗng này có sự liên thông với nhau.

Đây là nguồn cung quan trọng trong nhu cầu sử dụng nước của con người. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước này đang bị suy giảm trữ lượng đồng thời bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng và có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Nguồn nước ngầm là gì?

Nước ngầm là một dạng nước dưới đất, tích trữ trong các lớp đất đá trầm tích bở rời như cặn, sạn, cát bột kết, trong các khe nứt, hang caxtơ dưới bề mặt trái đất, có thể khai thác cho các hoạt động sống của con người.

Theo độ sâu phân bố, nước ngầm được chia thành 2 loại: Nước ngầm tầng mặt và nước ngầm tầng sâu. Ðặc điểm chung của nước ngầm là khả năng di chuyển nhanh trong các lớp đất xốp, tạo thành dòng chảy ngầm theo địa hình.

mô hình nước ngầm

Mô hình nguồn nước ngầm.

Nước ngầm tầng mặt thường không có lớp ngăn cách với địa hình bề mặt. Do vậy, thành phần và mực nước biến đổi nhiều, phụ thuộc vào trạng thái của nước mặt. Loại nước ngầm tầng mặt rất dễ bị ô nhiễm. Nước ngầm tầng sâu thường nằm trong lớp đất đá xốp được ngăn cách bên trên và phía dưới bởi các lớp không thấm nước.

Dựa trên không gian phân bố, một lớp nước ngầm tầng sâu thường có 3 vùng chức năng: Vùng thu nhận nước; Vùng chuyển tải nước; Vùng khai thác nước có áp.

Theo đó, khoảng cách giữa vùng thu nhận và vùng khai thác nước thường khá xa, từ vài chục đến vài trăm km. Các lỗ khoan nước ở vùng khai thác thường có áp lực. Ðây là loại nước ngầm có chất lượng tốt và lưu lượng ổn định. Trong các khu vực phát triển đá cacbonat thường tồn tại loại nước ngầm caxtơ di chuyển theo các khe nứt caxtơ. Trong các dải cồn cát vùng ven biển thường có các thấu kính nước ngọt nằm trên mực nước biển.

Nước ngầm bị khai thác quá mức

Trên thực tế, nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu ở nhiều quốc gia và vùng dân cư trên thế giới. Do vậy, ô nhiễm nước ngầm có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống của con người. Các tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái nước ngầm bao gồm:

Các tác nhân tự nhiên như nhiễm mặn, nhiễm phèn, hàm lượng Fe, Mn và một số kim loại khác.

Các tác nhân nhân tạo như nồng độ kim loại nặng cao, hàm lượng NO-3, NO-2, NH4+, PO4 v.v… vượt tiêu chuẩn cho phép, ô nhiễm bởi vi sinh vật.

Bên cạnh đó, suy thoái trữ lượng nước ngầm biểu hiện bởi giảm công suất khai thác, hạ thấp mực nước ngầm, lún đất.

ô nhiễm rác thải trên sông

Ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái nước ngầm.

Ngày nay, tình trạng ô nhiễm và suy thoái nước ngầm đang phổ biến ở các khu vực đô thị và các thành phố lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, nguồn nước ngầm đang phải đối diện với nhiều thách thức đe dọa an ninh nguồn nước và sự suy giảm nghiêm trọng.

Hiện nay, tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ngầm đang bị khai thác không thể kiểm soát. Ước tính, trung bình một người sử dụng khoảng 500 – 800 lít/ngày so với 60 – 150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển.

Thống kê cho thấy, hiện tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc đạt gần 30 triệu m3, tổng công suất của hơn 300 nhà máy khai thác nguồn nước này vào khoảng 1,47 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế các nhà máy chỉ khai thác được 60 – 70% so với công suất thiết kế.

Mực nước suy giảm được đánh giá là lớn nhất trong 2 thập kỉ qua. Thêm thông tin ĐBSCL đang chìm dần khi mỗi năm sụt lún 1 cm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số điểm với nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm quá mức.

Chưa kể đến, hệ thống nước ngầm ở những vùng ven biển còn có thể gặp phải hiện tượng xâm nhập mặn, thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng hoặc bởi các tác động khác của con người. Hiện tượng này là nguyên nhân chính khiến nguồn nước ngọt dưới đất ở vùng ĐBSCL sụt giảm mạnh trong nhiều năm nay.

Vì vậy, để hạn chế tác động ô nhiễm và suy thoái nước ngầm cần phải tiến hành đồng bộ các công tác điều tra, thăm dò trữ lượng và chất lượng nguồn nước ngầm, xử lý nước thải và chống ô nhiễm các nguồn nước mặt, quan trắc thường xuyên trữ lượng và chất lượng nước ngầm.

Cần bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên nước ngầm

Ở các nước phát triển, nước ngầm đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá và được bảo vệ nghiêm ngặt. Với Việt Nam, đã đến lúc thắt chặt hơn nữa công tác bảo vệ nguồn tài nguyên này. Bởi lẽ, quá trình phát triển mạnh mẽ của các đô thị cũng như sản xuất công nghiệp đã và đang khiến một phần nguồn nước mặt bị thu hẹp và ô nhiễm.

ô nhiễm nước ngầm

Nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo về nguồn nước. Cần phải lập hành lang bảo vệ nước. Gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; Hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; Sông, suối, kênh, rạch,…

Theo đó, người dân cần triển khai các biện pháp sử dụng nguồn nước an toàn. Đối với khu vực chưa được cung cấp nước sạch, người dân cần xử lý nước tại hộ gia đình trước khi đưa vào sử dụng bằng các biện pháp vệ sinh định kỳ hệ thống bể lọc nước, vật chứa, đậy kín các vật chứa nước. Đối với khu vực đã được cung cấp nước sạch, người dân ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch. Không khai thác sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên vẫn nên sử dụng các máy lọc nước để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Nguồn