Thùy Linh ·
2 năm trước
 6640

Nguy cơ bị nhấn chìm trước năm 2030, TP.HCM hành động như thế nào?

Được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vấn đề cấp thiết cần phải xây dựng được các kịch bản Biến đổi khí hậu - nước biển dâng có độ tin cậy cao nhất cho vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

ĐBSCL đứng trước thách thức từ biến đổi khí hậu

Trong báo cáo mới nhất, tổ chức Climate Central (Mỹ) đã tạo ra một bản đồ để đánh giá nguy cơ Trái Đất sẽ bị nhấn chìm dưới nước trước năm 2030 do mực nước biển dâng cao. Bản đồ được tạo ra dựa trên những thông tin từ Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm phân tích khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Theo dự báo, TP.HCM có thể bị nhấn chìm trước năm 2030, ít nhất là hầu hết các khu vực phía Đông nằm cạnh sông Mê Kông và dọc theo vùng đầm lầy trũng thấp của Thủ Thiêm. Thậm chí, ngay cả khi thành phố không bị nhấn chìm, nhiều khu vực cũng trở nên nguy hiểm cho con người sinh sống do nhiều yếu tố bao gồm lũ lụt và bão.

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là số áp thấp nhiệt đới hoặc bão trên Biển Đông có xu hướng tăng nhẹ, đồng thời số cơn bão mạnh cũng tăng trong vòng từ năm 1990 đến 2018.

Nguy cơ bị nhấn chìm trước năm 2030, TP.HCM hành động như thế nào? - Ảnh 1
ĐBSCL được đánh giá là một trong ba đồng bằng của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dân. (Ảnh minh họa)

Về kịch bản biến đổi khí hậu thời gian tới, đại diện Viện Khoa học KTTV và BĐKH cho biết, vào khoảng cuối thế kỉ XXI, nhiệt độ trên cả nước có xu thế tăng so với thời kỳ các năm 1986-2005, trong đó khu vực phía Bắc tăng 2-2,3 độ C và phía Nam tăng 1,7-1,9 độ C.

Đồng thời, trong 80 năm nữa, số ngày nắng nóng trên cả nước cũng được dự báo tăng 80-100 ngày, trong khi số ngày rét đậm, rét hại ở miền Bắc tiếp tục giảm. Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc Bộ có thể chỉ xuất hiện 5-9 ngày rét hại trong mùa đông.

Hiện nay, vùng ĐBSCL đang đứng trước thách thức của “hai gọng kìm” là biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bên cạnh đó, tần suất nhiều hơn và mức độ ảnh hưởng của thiên tai và “nhân tai” ngày càng lớn. Mùa lũ những năm gần đây biến động thất thường, tình trạng ngập lụt ở các đô thị với diện tích rộng hơn và thời gian lâu hơn, cùng với hiện tượng sạt lở đất, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Đây là những thách thức lớn mà ĐBSCL phải đối mặt, cần phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược dài hạn cùng với kế hoạch hành động cụ thể để chủ động ứng phó, thích nghi.

Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng cao 1 m và không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu thì có khoảng 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập sâu trong nước.

Liên quan đến cảnh báo nhiều nơi ở phía đông TP.HCM có thể bị nhấn chìm trước năm 2030, TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH cho rằng, những phân tích về bản đồ sụt lún của TP.HCM cho thấy với kịch bản nước biển dâng 13 cm trong 9 năm tới, tỉ lệ ngập trên toàn thành phố thấp hơn nhiều, đồng thời tập trung ở phía Tây chứ không phải phía Đông như kịch bản Climate Central đưa ra.

Còn với kịch bản nước biển dâng 100 cm vào cuối thế kỉ, TP.HCM nguy cơ ngập 17,15% diện tích, đồng bằng sông Hồng ngập 13,2%. Trong khi đó, khu vực ĐBSCL có thể ngập tới 47,29% diện tích, tăng 9% so với kịch bản trước đó được đưa ra năm 2016.

Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu có độ tin cậy cao nhất có thể

Theo nhận định của TS Trường, nhà nghiên cứu độc lập về tài nguyên nước, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cảnh báo này cần được các cơ quan chức năng và các nhà khoa học Việt Nam chủ động nghiên cứu, kiểm nghiệm để có các kịch bản ứng phó kịp thời trước mắt cũng như lâu dài. Các nghiên cứu chuyên sâu đã chứng minh, gây nên biến đổi khí hậu - trong đó làm nước biển dâng - có cả yếu tố tự nhiên lẫn yếu tố do con người.

Đối với TP.HCM, nếu căn cứ vào các cơ sở dữ liệu được sử dụng trong các công bố quốc tế thì độ cao trung bình của thành phố hiện nay xấp xỉ mực nước biển trung bình. Do đó, những lúc triều cường, mực nước sẽ cao hơn địa hình thành phố. Hiện tại người ta cũng chỉ ước tính trung bình mực nước biển dâng khoảng 2 - 4 mm/năm. Nghĩa là từ nay đến 2030 mực nước biển tăng khoảng 2-4 cm, chỉ tương đương bậc đại lượng của mức độ sụt lún (2-4 cm/năm).

“Kịch bản phải được xác định dựa trên một tập hợp các sản phẩm dự tính khí hậu tương lai. Do tính bất định của các mô hình khí hậu, mức độ nhạy cảm của hệ thống cũng như của các kịch bản phát thải khí nhà kính nên số dung lượng mẫu càng lớn thì độ tin cậy của kịch bản Biến đổi khí hậu - nước biển dâng nhận được càng cao” - TS Trường nhấn mạnh.

Được đánh giá là một trong 3 đồng bằng của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều chuyên gia cho rằng để vùng ĐBSCL tồn tại, phát triển an toàn và bền vững trong tương lai, cần có hành động khẩn cấp nhưng trên cơ sở định hướng, tầm nhìn dài hạn, tiếp cận đa ngành, tiếp cận vùng, liên vùng và quốc gia.

Đồng thời, cần thực thi các giải pháp công trình, phi công trình nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “không hối tiếc” trước một tương lai không chắc chắn; Yêu cầu đó phụ thuộc vào tầm nhìn tương lai, vượt qua thách thức, tăng cường liên kết vùng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tích cực tham gian thực hiện các cam kết “xanh,” được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

"Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là "bước đi dài" để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong hội nghị COP26.

Nguồn