Bích Ngọc ·
34 tuần trước
 10079

Nguyên nhân nào khiến ngân hàng khó hút dòng vốn ngoại?

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến câu chuyện bán vốn cho nước ngoài của một số ngân hàng. Giới chuyên gia dự báo vẫn còn vướng mắc làm cho dòng vốn ngoại chưa thể "chảy" mạnh vào ngân hàng Việt.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2023 - 2024, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2019, kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được Vietcombank đưa ra thế nhưng vẫn chưa thể hoàn tất. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).

Năm 2022, kế hoạch này lại được ban lãnh đạo của Vietcombank nêu ra nhưng chưa được triển khai trong năm 2023 do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và Ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023 – 2024.

Trong Báo cáo thường niên gần nhất, MB cho biết hiện có 580 cổ đông nước ngoài, sở hữu tổng cộng 2,5 triệu cổ phiếu (tương đương 0,06% vốn điều lệ). MB chưa có cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài, trong khi tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư ngoại được phép tại MB là 23,23%.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch MB cho hay, trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược phù hợp để thực hiện chào bán thêm khoảng 60 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ.

Ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank cho biết, trong thời gian tới ngân hàng này có thể  chào đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược dài hạn. Theo ông Jens, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 22% cổ phần của Techcombank và có thể sở hữu thêm 8%.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cũng đang xem xét kế hoạch huy động vốn thông qua bán cổ phần như: HDBank, Nam A Bank, SHB, SeABank…

Giới chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam. 

Báo cáo Chiến lược Đầu tư năm 2024 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCSC) nhận định,  từ nửa cuối năm 2024 các hoạt động huy động vốn sẽ mạnh hơn. Trong đó, Vietcombank, BIDV và LPBank được kỳ vọng sẽ huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ với tổng giá trị ước tính là 64,9 nghìn tỷ đồng vào năm nay.

VCSC dự báo với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm nay, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu có thể thành công.

Tuy vậy, vẫn có những nhận định cho rằng trong năm 2024 kế hoạch tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của nhiều ngân hàng vẫn còn những rào cản. Trong đó, bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực từ sự trầm lắng của thị trường vốn thế giới do chính sách thắt chặt tiền tệ, việc các nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà với thị trường ngân hàng Việt Nam còn do vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu.

Ông Dominic Scriven, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch điều hành Dragon Capital đánh giá, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, rào cản lớn nhất khi muốn tham gia ngân hàng Việt vẫn là việc hạn chế room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng. Không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên room do đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, nên cần xem xét nới room.

Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam (trừ một số trường hợp đặc biệt). Chính vì thế, các ngân hàng và chuyên gia cho rằng cần tăng tỷ lệ sở hữu vốn ngoại tại các ngân hàng.

Tuy vậy, NHNN khẳng định hiện nay chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc từ 30% lên 49%, chưa nên mở rộng ra tất cả tổ chức tín dụng.

NHNN cho hay, trên thị trường chứng khoán hiện có 27/31 ngân hàng thương mại niêm yết. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài (ngoại trừ nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn) dễ dàng rút vốn ra khỏi ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam khi có biến động lớn về kinh tế trong nước hoặc trên thế giới, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7574116572648033/?