Minh Anh ·
1 năm trước
 3675

Nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị hiện nay được quy định như thế nào?

Trong những năm qua, các thành phố, đô thị của Việt Nam không ngừng phát triển hệ thống cây xanh đô thị nhằm tạo cảnh quan đô thị, xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp, cải thiện môi trường sống…

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý cây xanh và hạ tầng, kiến trúc đô thị tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có những nghiên cứu cụ thể, đảm bảo cảnh quan đô thị luôn được ổn định. Vậy nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị hiện nay được quy định như thế nào? 

Trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, thành phố Hà Nội luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ xanh để cải thiện môi trường, nâng chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh TL

Trả lời:

Tại Điều 3 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị như sau:

1. Chính phủ thống nhất quản lý cây xanh đô thị, có phân công, phân cấp trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng.

3. Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia quy hoạch; trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ quản lý cây xanh đô thị.

4. Việc quản lý, phát triển cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy chuẩn kỹ thuật đồng thời góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

5. Khi triển khai xây dựng khu đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cây xanh; cây xanh được trồng phải đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây trồng theo quy hoạch chi tiết khu đô thị mới đã được phê duyệt đồng thời phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

6. Khi xây dựng mới đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khi cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình đường ống kỹ thuật hoặc khi tiến hành hạ ngầm các công trình đường dây, cáp nổi tại các đô thị có liên quan đến việc bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển, trồng mới cây xanh, chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý cây xanh trên địa bàn biết để giám sát thực hiện. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải tuân thủ theo Điều 14 của Nghị định này.

Cây xanh và hạ tầng đô thị luôn song hành cùng nhau, tác động qua lại lẫn nhau tạo thành hiện trạng hạ tầng đô thị.

Theo các chuyên gia, do áp lực của quá trình đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng, công trình kiến trúc nên diện tích cây xanh tại rất nhiều thành phố của Việt Nam chưa đảm bảo tiêu chuẩn đã đặt ra.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển đô thị, khoảng cách từ các công trình hạ tầng, công trình kiến trúc đến vị trí trồng cây thường không được đảm bảo theo tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành như kích thước vỉa hè chưa tương thích với nhóm cây trồng, kích thước cây trồng; khoảng cách từ cây trồng đến công trình hạ tầng, kiến trúc thường quá gần dẫn đến hiện tượng cây trồng bị lệch tán, bị nghiêng…

Để tiết kiệm diện tích cũng như mỹ quan trong đô thị nhiều hạng mục công trình thường được bố trí ngầm dọc vỉa hè các tuyến đường bao gồm đường điện, đường cấp, thoát nước; đường mạng; đường cáp quang… nên kích thước và độ sâu của hố trồng cây xanh thường không được đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế…

Chưa kể, đối với cây xanh đô thị thì bộ rễ chính là cơ quan gặp phải nhiều vấn đề nhất như không đủ đất, không đủ dinh dưỡng, vướng vào hạ tầng đường sá, đường điện, đường nước ngầm, đất chặt, đất ô nhiễm, cằn cỗi, thiếu nước hoặc ngập úng, các tác động cơ học đè nén…

TS.Phạm Hoàng Phi - Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, việc quy hoạch cây xanh đô thị hoặc lập đề án phát triển cây xanh đô thị đã sớm được quy định trong Nghị định 64/2010/NĐ-CP về Quản lý cây xanh đô thị. Trong đó, yêu cầu quy hoạch phải phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của quy hoạch đô thị, với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ những, tính chất, chức năng, truyền thống, văn hóa và bản sắc của đô thị; tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, thiết kế cây xanh đô thị…

Quá trình quy hoạch và lập đề án phát triển cây xanh đô thị cần đảm bảo mục tiêu về tiêu chuẩn diện tích đất xanh sử dụng công cộng; phân tích nhóm chủng loại cây trồng, cây bản địa, cây truyền thống đã thuần chủng làm cây chủ lực phát triển và liên tục khảo nghiệm để xây dựng danh mục cây trồng mới. Công tác quản lý cây xanh đô thị phù hợp với hạ tầng là một nhiệm vụ lâu dài và trường kỳ.

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Hoàng Phi, hiện nay vẫn còn rất nhiều thành phố, đô thị chưa triển khai quy hoạch cây xanh hoặc chưa có đề án phát triển cây xanh đô thị, từ đó dẫn đến hiện tượng cây trồng phát triển tự phát, không có quy định về chủng loại, kích thước cụ thể…

Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng đô thị ngày càng phát triển, nhiều hạng mục hạ tầng đô thị mới được đầu tư như đường sắt trên cao; hệ thống giao thông ngầm; ngầm hóa hệ thống đường điện, kiên cố hóa vỉa hè, kênh mương…

Những công trình này ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống cây xanh đô thị. Do đó, cần sớm bổ sung tiêu chuẩn, quy định mới thiết kế hạ tầng cây xanh đô thị như quy định về cây trồng dưới công trình đường sắt, cây trồng lan can, giải phân cách đường trên cao; quy định thiết kế tích hợp hệ thống hạ tầng ngầm bên dưới lòng đường giao thông cơ giới thay vì bên dưới vỉa hè đối với những tuyến đường phù hợp; bố trí hệ thống ống hạ tầng kỹ thuật ngầm trong phần diện tích song song với vị trí trồng cây xanh…

Bên cạnh đó, cần có quy định về loài cây, kích thước cây xanh trồng trong đô thị; khuyến khích nghiên cứu, thử nghiệm các loại vật liệu, giá thể mới trong phát triển cây xanh đô thị; giải pháp kỹ thuật đối với cây xanh…