Bích Ngọc ·
31 tuần trước
 8729

Nhà băng nào có ưu thế cạnh tranh tín dụng trong những tháng cuối năm nay?

MBS cho hay, những nhà băng nào có chi phí vốn thấp và chất lượng tài sản ít suy giảm hơn trong 6 tháng đầu năm nay thì sẽ có dư địa đẩy tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng vẫn là một trong những "vấn đề" của ngành ngân hàng trong 8 tháng đầu năm khi con số này đạt mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8, so với đầu năm tín dụng mới chỉ tăng 5,33%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 9,9% cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu 14% cho cả năm 2023. Tính tới ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 5,56%.

Các công ty chứng khoán nhận định rằng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong phần còn lại của năm 2023 nhờ từ tháng 7 và tháng 8 sản xuất và xuất khẩu bắt đầu có tín hiệu phục hồi, cùng với đó hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tuy vậy, thực tế cho thấy trong năm nay nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi do đó Chứng khoán MB (MBS) điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho hầu hết các ngân hàng so với báo cáo trước đó.

Chuyên gia của MBS cho hay, hiện sản xuất kinh doanh chưa thật sự khởi sắc, các nhà băng đều đang khá thận trọng khi cân nhắc các quyết định cho vay cũng như đảm bảo chất lượng tín dụng. Chính vì vậy, những ngân hàng có chất lượng tài sản ít suy giảm hơn trong 6 tháng đầu năm sẽ có dư địa đẩy tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm.

Bên cạnh đó, từ 1/9 Thông tư 06 có hiệu lực, cho phép các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Điều này sẽ thúc đẩy xu hướng cạnh tranh lãi suất để thúc đẩy tín dụng (tuy nhiên không làm tăng trưởng đáng kể quy mô tín dụng của toàn ngành). Chính vì thế, những nhà băng nào có chi phí vốn tốt hơn thì sẽ có khả năng mạnh tay để thu hút khách hàng hơn.

Tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng trong nửa đầu năm tăng đã diễn ra sự phân hoá khá mạnh. Quý II/2023, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao với ngành bất động sản (BĐS) như Techcombank, HDBank có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại (lần lượt 0,57% và 0,19%) so với quý trước khi thị trường BĐS vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.

Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng như ACB: tăng 5,51%; VIB: tăng 2,19% cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng. Hai nhà băng được cấp room tín dụng cao là MB và VPBank (khoảng 24%) cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong quý II. So với quý trước, MB tăng 6,49% và VPBank tăng 5%.

VNDirect cho hay, những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB trong nửa cuối năm có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu. Còn ngược lại, những  nhà băng có tỷ lệ cho vay BĐS cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06 (có hiệu lực từ tháng 9) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Theo lộ trình được quy định trong Thông tư 08, đến ngày 1/10/2023, các nhà băng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 30% (thay vì 34% như hiện tại). NHNN cho hay, hiện có đến 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng. Tuy nhiên 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn.

Chuyên viên phân tích của KBSV cho biết, Thông tư 08 cũng sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các nhà băng, làm tăng chi phí vốn (COF), gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6879344265458604/?