Người dân sinh sống trên địa bàn huyện Đăk Hà tỉnh Kon Tum gần đây liên tục phản ánh về mùi hôi thối, xú uế bốc lên nồng nặc từ khu vực xung quanh Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà.
Được biết, Nhà máy do Công ty TNHH thương mại và công nghệ môi trường DH đầu tư với quy mô 3,5 ha, công suất xử lý 75 tấn rác/ngày, đêm với tổng mức đầu tư gần 76 tỷ đồng. Dự án Nhà máy rác thải rắn Đăk Hà được khởi công xây dựng từ năm 2019, đến tháng 9/2020 thì đi vào hoạt động.
Hiện nay, phía sau nhà máy là một bãi rác cao hơn chục mét, rộng tới hàng chục mét. Xung quanh bãi rác, đàn quạ liên tục bay lượn tìm kiếm thức ăn. Bãi rác hoàn toàn lộ thiên, không được che chắn, phủ bạt. Theo người dân phản ánh tới Thanh Niên, vào buổi sáng tầm 8 - 9 giờ, nhà máy bắt đầu đốt rác khiến khói nghi ngút. Mùi hôi từ khí thải cũng hôi không kém mùi rác thải.
Phía sau nhà máy là một bãi rác cao hơn chục mét, rộng tới hàng chục mét
Tuy nhiên, điều đáng nói chính là việc người dân phản ánh rằng Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà đã xả nước thải trực tiếp ra môi trường, không chỉ bốc mùi hôi khó chịu mà còn đe dọa đến sức khỏe người dân.
Bởi ngay tại chân bãi rác có 2 ao nước màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Tại ao nước này, nhà máy dùng một lớp bạt để dẫn dòng nước thải màu đen chảy thẳng ra con suối phía dưới. Con suối chảy về cánh đồng lúa tại thôn 3, xã Đăk La (huyện Đăk Hà), phục vụ cho việc sản xuất và sinh hoạt của bà con. Cả 2 ao nước này đều không được xây dựng hoặc lót bạt chống thấm.
Theo ghi nhận từ PV Thanh Niên, bên cạnh cửa xả của ao có 2 ống nước bằng nhựa cũng đang chảy ra thứ chất lỏng màu vàng sậm, đường dẫn chất thải đều xuất phát từ khu vực nhà máy.
Nhà máy dùng một lớp bạt để dẫn dòng nước thải màu đen chảy thẳng ra con suối phía dưới
Bởi vậy, người dân dấy lên nghi ngờ rằng Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà đã lén lút đổ chất thải bãi rác ra dòng suối chảy về cánh đồng lúa mà người dân đang sử dụng để canh tác, tưới tiêu. Bởi vậy bà con vô cùng hoang mang.
Được biết, nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà được xây dựng trên cơ sở bãi rác cũ trước đó của huyện. Do đó, khi nhà máy xây dựng xong, bãi rác này còn tồn đọng trên 33.500 tấn rác. Bởi vậy, ngoài việc xử lý rác thải được đem đến hàng ngày, nhà máy còn phải xử lý rác thải tồn đọng. Dự tính đến năm 2024 nhà máy mới xử lý hết khối lượng rác thải tồn đọng này.
Tuy nhiên, dù là phải xử lý rác thải mới hay cũ thì nhà máy trước khi xây dựng và đi vào hoạt động cũng phải đảm bảo các nguyên tắc xử lý. Trong đó, rác thải phải xử lý tối thiểu qua 3 bể, 1 bể chứa, 1 bể lọc và 1 bể chứa vi sinh.
Biết rằng nếu muốn xả thải ra môi trường, chất lượng nước phải đạt loại A. Loại nước này có thể sử dụng để rửa mặt, thậm chí có thể uống được. Tuy nhiên, theo quan sát thấy rằng bên cạnh cửa xả của ao có 2 ống nước bằng nhựa cũng đang chảy ra thứ chất lỏng màu vàng sậm, và dòng nước thải chảy thẳng ra con suối phía dưới có màu đen sẫm, không thể nói rằng đây là dòng nước thải đã qua xử lý.
Vậy, câu hỏi đặt ra là có hay không chuyện Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà xả thẳng nước thải không qua xử lý trực tiếp ra môi trường, bất chấp nguy hiểm và ảnh hưởng đến đời sống người dân?
Được biết Công ty TNHH thương mại và công nghệ môi trường DH cũng đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Sau khi các cơ quan chức năng thẩm định báo cáo ĐTM, mọi tiêu chuẩn đều đảm bảo thì mới cấp phép hoạt động. Quy trình xử lý rác thải trong nhà máy đều khép kín, nước thải khi chưa xử lý không được phép thải ra môi trường. Tuy nhiên, quy trình này đã vận hành ra sao để xảy ra những sự cố kể trên?
Thấy rằng cả 2 ao nước chứa nước nghi là nước thải chưa qua xử lý đều không được xây dựng hoặc lót bạt chống thấm, thiết nghĩ cách xử lý này cũng cần được ngăn chặn để giữ gìn môi trường bị hủy hoại trước khi quá muộn.