Thời gian gần đây, nghệ sĩ Hoài Linh trở thành tâm điểm chú ý của mạng xã hội khi liên tiếp vướng vào những scandal lớn nhất trong sự nghiệp. Gần đây nhất, cộng đồng mạng lại sôi sục câu hỏi "tiền quyên góp từ thiện được 13 tỉ đồng ủng hộ miền Trung lũ lụt đã đi đâu về đâu?"
Tuy nhiên, chuyện 13 tỉ đồng này đi đâu, nghệ sĩ Hoài Linh sẽ có trách nhiệm với khoản tiền đó. Tôi muốn nói đến một câu chuyện khác.
Nghi vấn nhân viên ngân hàng MB Bank truy xuất thông tin giao dịch của Hoài Linh lên...mạng xã hội?
Đầu tiên, vì sao mà mọi người biết Hoài Linh đang giữ 13 tỉ đồng trong tài khoản từ thiện? Đó là do những hình ảnh truy xuất giao dịch tài khoản cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh đã được đăng tải trên Voz.vn mà theo cộng đồng mạng, thì chỉ có thể là nhân viên ngân hàng MB Bank mới có thể xem được (Trước đó, nghệ sĩ này đã sử dụng tài khoản cá nhân mang tên Võ Nguyễn Hoài Linh - STK: 0860158163686 - Ngân hàng MB Bank để nhận tiền quyên góp cho đồng bào lũ lụt miền Trung).
Ngay lập tức, những hình ảnh này được share chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau và xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về Hoài Linh như hiện nay.
Những hình ảnh truy xuất giao dịch tài khoản cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh đã được đăng tải trên Voz.vn mà theo cộng đồng mạng, thì chỉ có thể là nhân viên MB Bank mới có thể truy xuất được.
Những hình ảnh này truy xuất rõ ràng về từng giao dịch của nghệ sĩ Hoài Linh, đọc được rõ nét, cụ thể cả thời gian, số tiền và nội dung chuyển tiền. Với những dòng trạng thái mà nhiều người dùng trên Voz.vn chụp lại được cùng hình ảnh giao dịch tài khoản của người dùng mang tên VO NGUYEN HOAI LINH bên dưới, chúng ta đặt câu hỏi rằng, bảo mật của MB Bank an toàn đến đâu mà để xảy ra tình trạng lộ thông tin khách hàng lên mạng xã hội như vậy?
Trong khi đó, trong nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng, trên wesite của MB Bank đã công khai rõ ràng như sau:
- Những thông tin MB BANK yêu cầu Quý khách cung cấp chỉ để hiểu rõ hơn nhu cầu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với yêu cầu của Quý khách và MB BANK có quyền sử dụng thông tin mà Quý khách cung cấp qua Trang Web để sử dụng cho hoạt động của MB BANK;
- MB BANK không tiết lộ thông tin của Quý khách cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trừ khi đã có thông báo và nhận được đồng ý của Quý khách hoặc theo quy định của pháp luật;
- Tại những trường hợp cụ thể, MB BANK có thể phải cung cấp thông tin của Quý khách cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tuy nhiên, MB BANK bảo đảm việc cung cấp đó được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Việc truy cập thông tin của Quý khách thực hiện bởi MB BANK, nhân viên của MB BANK và/hoặc cá nhân nào được phép đều phải tuân thủ theo đúng quy định về bảo mật của MB BANK.
Nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng được đăng tải trên website của ngân hàng Ngân Hàng TMCP Quân Đội (MB Bank)
Mặc dù thể hiện phương châm giữ an toàn và bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng, thế nhưng chính thông tin khách hàng của MB Bank lại bị truy xuất giao dịch tài khoản và bị đăng lên... mạng xã hội, để đặt câu hỏi về chuyện "13 tỉ tiền từ thiện đã đi đâu?"
Ngay cả khi đây là tiền của công chúng, và nghệ sĩ Hoài Linh là người của công chúng, nghệ sĩ này có trách nhiệm công khai khoản tiền này với cộng đồng, nhưng nghệ sĩ Hoài Linh cũng là một khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng của MB Bank và nghệ sĩ có quyền được bảo mật thông tin tài khoản. Rõ ràng, việc để lộ giao dịch của khách hàng lên...mạng xã hội là việc tối kị đối với bất kì ngân hàng nào.
Nếu như trong trường hợp chính nhân viên ngân hàng là người đăng những thông tin này, thì nhân viên MB Bank đã vi phạm nghiêm trọng về quy định về bảo mật thông tin khách hàng.
Ngân hàng để lộ thông tin khách hàng có thể bị xử phạt như thế nào?
Về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng, Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng nêu rõ: “Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan”.
Như vậy, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng phải được bảo mật tuyệt đối, trừ các trường hợp pháp luật quy định được phép cung cấp. Bảo mật thông tin của khách hàng là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng, các cơ quan, tổ chức này không được tự ý tiết lộ thông tin khách hàng ra bên ngoài hay thực hiện bất kì hành vi bất chính nào như việc trục lợi, sử dụng trái phép, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin đó.
Ngoại trừ các trường hợp pháp luật quy định cho phép được cung cấp thông tin khách hàng thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép làm lộ thông tin khách hàng. Theo đó, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và Luật các tổ chức tín dụng 2010 và các luật liên quan đều ghi nhận các chế tài mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ phải gánh chịu tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm như bị xử lý kỷ luật, phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường thiệt hại.
Đồng thời, Nghị định 117/2018/NĐ-CP cũng có quy định để khách hàng có thể bảo vệ mình trong trường hợp có vi phạm xảy ra, theo đó, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp ngân hàng MB Bank đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc giữ bí mật thông tin khách hàng, ở đây, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp có cơ sở cho rằng ngân hàng đã cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.
Về chế tài, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người làm lộ thông tin bí mật của hành khách có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính, theo Điều 65 nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng và buộc tiêu hủy dữ liệu chứa thông tin của người tiêu dùng.
Nếu thông tin liên quan đến bí mật cá nhân người tiêu dùng thì người vi phạm bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt trên, hoặc có thể xử lý hình sự theo Điều 291 về Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
Câu chuyện giao dịch của Hoài Linh bị lộ bởi sự thiếu trách nhiệm của MB Bank, thì những người chịu trách nhiệm liên quan có thể bị xử lý kỉ luật theo quy định, nhưng qua đó, có thể thấy thông tin cá nhân của khách hàng tại MB Bank có thể bị lộ và ảnh hưởng xấu tới uy tín, danh dự của cá nhân khách hàng.
Tuy nhiên sau câu chuyện này, khách hàng sẽ ít nhiều cân nhắc về chuyện mình có thực sự được an toàn bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng như những gì MB Bank đã hứa hay không.