Quỳnh Hương ·
3 năm trước
 3310

Nhiệt độ mùa hè ở Vương quốc Anh có thể tăng cao kỷ lục thời gian tới

Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu khiến nước Anh ngày càng ẩm hơn và ấm hơn, với 10 năm nóng nhất trong hơn một thế kỷ của đất nước này đã xảy ra kể từ năm 2002.

Năm 2021 được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đánh giá sẽ nằm trong chuỗi năm nóng nhất, bất chấp ảnh hưởng của quá trình hạ nhiệt tạm thời do La Niña gây ra, các tác động của nó thường mạnh hơn trong năm thứ hai. 

Mới đây, báo cáo thường niên "Tình trạng Khí hậu Vương quốc Anh" được công bố trên Tạp chí khoa học International Journal of Climatology cho thấy, nhiệt độ mùa hè ở Anh quốc có thể tăng đến 40 độ C trong những năm tới, ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo này nhấn mạnh, biến đổi khí hậu khiến Anh ngày càng ẩm hơn và ấm hơn, với 10 năm nóng nhất trong hơn một thế kỷ của đất nước này đã xảy ra kể từ năm 2002. Trong đó, gần đây nhất, năm 2020 là năm ẩm thứ 5 và ấm thứ 3 trong lịch sử được ghi nhận kể từ thế kỷ 19.

mùa hè ở Anh

Biến đổi khí hậu khiến cho nhiệt độ mùa hè ở Anh quốc có thể tăng đến 40 độ C trong những năm tới. (Ảnh: vtv.vn)

Năm 2020, nhiệt độ trung bình vào mùa đông được ghi nhận ở mức 5,3 độ C, cao hơn 1,6 độ C so với mức trung bình từ năm 1981 - 2010. Trong khi đó, nhiệt độ mùa hè được ghi nhận ở mức 14,8 độ C, cao hơn mức trung bình 0,4 độ C, với mực nhiệt lên đến 34 độ C trong 6 ngày liên tiếp vào tháng 8 năm ngoái.

Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Vương quốc Anh là 38,7 độ C tại thành phố Cambridge vào tháng 7/2019.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia Anh Liz Bentley nhận định, thế giới đang chứng kiến nhiệt độ cực đoan do sự ấm lên từ 1,1 - 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. “Chúng tôi có thể sẽ hứng chịu mức nhiệt lên đến 40 độ C ở Vương quốc Anh, mặc dù trước đây, chúng tôi chưa từng trải qua mức nhiệt đó”, bà Liz Bentley cho hay.

Trước đó, vào tháng 5/2021 nước Anh đã có kế hoạch tăng gấp ba lần tỉ lệ trồng cây trong ba năm tới để giúp đạt được mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050. Động thái này như một phần nỗ lực của Chính phủ nước này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh trước thềm COP26, Chính phủ Anh cho biết sẽ tập trung vào bốn mục tiêu chính, bao gồm: bảo đảm không phát khí thải ra toàn cầu; bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên khỏi tác động của biến đổi khí hậu; huy động tài chính và các quốc gia cùng nhau thúc đẩy hành động.

Thế giới đang ở mức nóng nhất trong ít nhất 12.000 năm qua

Các nhà khoa học cho biết, kết quả phân tích nhiệt độ trên bề mặt đại dương cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến nhiệt độ của Trái Đất đã đạt mức nóng nhất trong 125.000 năm qua. Các mô hình khí hậu đã chỉ ra sự ấm lên liên tục kể từ khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc cách đây 12.000 năm và Kỷ nguyên Holocen (Kỷ nguyên loài người) bắt đầu.

Ước tính nhiệt độ từ vỏ hóa thạch trước đây cho thấy, đỉnh điểm của tình trạng Trái Đất nóng lên diễn ra cách đây 6.000 năm và sau đó nguội đi, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp khiến lượng khí thải carbon tăng vọt. 

Nguồn