Minh Anh ·
22 tuần trước
 1039

Nhiều địa phương muốn thực hiện điện gió trong Quy hoạch điện VIII

Đặt mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đạt 6GW vào năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc phát triển các nguồn năng lượng bền vững và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Tờ trình xác định, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII xác định tổng công suất điện gió trên bờ là 21.800 MW; điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm 2.600 MW; điện sinh khối, rác là 2.270 MW và thủy điện 29.346 MW.

Ảnh minh họa

Theo Quyết định 500 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương rà soát dự án điện (gồm dự án điện mặt trời tập trung) theo 9 tiêu chí để làm cơ sở đánh giá mức độ đáp ứng của các dự án. Tính đến ngày 24.11, Bộ này đã nhận được thông tin phản hồi của 58/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, danh mục dự án nguồn điện (tái tạo, thủy điện nhỏ) được các tỉnh đề nghị phát triển vẫn quá lớn với nhu cầu tại Quy hoạch điện VIII.

"Các địa phương vẫn bảo lưu danh mục dự án theo các công văn cung cấp số liệu phục vụ lập kế hoạch điện VIII trước đây, hầu hết không đáp ứng yêu cầu xây dựng danh mục dự án trong phạm vi lượng công suất nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ tính toán cho từng tỉnh, thành phố và không cung cấp đầy đủ thông tin theo công văn số 7704 Bộ Công Thương”, Bộ Công Thương cho hay.

Bộ này dẫn số liệu thống kê của 58 tỉnh đối với 4 loại nguồn điện được quan tâm nhất hiện nay cho thấy: 38 địa phương có tính toán điện gió trên bờ 17.310 MW, nhưng gửi danh mục công suất 55.631 MW (gấp 3,2 lần);

Có 26 địa phương có thủy điện nhỏ, công suất tính toán 2.815 MW, nhưng đăng ký 5.056 MW (gấp 1,8 lần); 32 địa phương tính toán điện sinh khối 536 MW, nhưng đăng ký 2.105 MW (gấp 3,9 lần); 36 địa phương có công suất tính toán điện rác 886 MW, song đăng ký 1.515 MW (gấp 1,7 lần)...

Các nguồn điện mới ngóng cơ chế

Trong Tờ trình lần 3 về ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương cũng nhắc tới việc xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp trong nước triển khai thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi đang gặp khó khăn.

Thực tế, hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng do chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển. Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.

Báo cáo Rà soát quy định pháp luật liên quan tới việc xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII cũng cho hay, dù Quy hoạch có nêu mục tiêu đạt 6.000 MW điện gió cho giai đoạn tới 2030, nhưng việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu hành lang pháp lý.

Cụ thể, chưa ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia, nên theo Luật Quy hoạch, chưa có căn cứ để xây dựng bản đồ quy hoạch cho điện gió ngoài khơi.

Trong khi đó, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã đề xuất xin phép được đầu tư dự án điện gió ngoài khơi trên khắp các vùng biển Việt Nam, với tổng quy mô công suất lên đến hơn 160.000 MW, dẫn tới nguy cơ xung đột về pháp lý trong quá trình triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

Đồng thời, việc cấp phép cho nghiên cứu khảo sát khu vực biển chưa thực hiện được do phải chờ phê duyệt sửa đổi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Các dự án điện LNG đang triển khai thì gặp khó trong đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn bởi một số cơ chế chính sách liên quan vẫn chưa có.

Bảng 1, Phụ lục II của Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023 có ghi chú: “Trong quá trình triển khai Quy hoạch Điện VIII, nếu các dự án trong danh mục này gặp khó khăn, vướng mắc, không triển khai được, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đẩy sớm tiến độ các dự án quy hoạch giai đoạn sau lên và/hoặc lựa chọn các dự án khác thay thế tại các vị trí tiềm năng để đảm bảo an ninh cung cấp điện”.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ dẫn này cần được làm rõ các điều kiện liên quan “khó khăn, vướng mắc, không triển khai được”, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 53, Luật Quy hoạch về căn cứ điều chỉnh quy hoạch.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7124184740974554