Nghĩa vụ chứng minh của bên gây thiệt hại
Ngày 30/7, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo trực tuyến “Những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giảng viên và sinh viên. Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, đào tạo, tìm hiểu về những điểm mới liên quan đến vấn đề môi trường và Luật Bảo vệ môi trường.
Hai vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại về môi trường và quản lý chất thải nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía các chuyên gia tham gia Hội thảo. ThS Nguyễn Thị Ngọc Lan, khoa Luật Thương mại đánh giá quy định về hoán đổi nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường là một điểm mới nổi bật.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Bà Lan nêu quan điểm, trên thực tế hầu hết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại về môi trường người dân đều cần đến sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chứng minh hành vi trái pháp luật và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại thực tế; Người bị thiệt hại thực tế chủ yếu là nông dân, ngư dân… yếu thế hơn so với chủ thể gây thiệt hại phần lớn là các doanh nghiệp có điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất.
Xuất phát từ tính chất phức tạp và tinh vi của hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí hậu quả do những hành vi này gây ra có thể diễn ra từ từ và sau một thời gian dài sự thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp của người dân mới biểu hiện ra bên ngoài nên việc chứng minh mối quan hệ nhân quả lại càng khó khăn.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Luật Thương mại cho rằng đây là một sự thay đổi tiến bộ và phù hợp. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đặt ra vấn đề cần làm rõ nghĩa vụ chứng minh của bên gây thiệt hại, cụ thể bên gây thiệt hại cần chứng minh không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra.
Đảm bảo tránh chồng chéo thủ tục
Trình bày tham luận về giấy phép môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, TS Võ Trung Tín, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường cho biết, đây là nội dung mới được bổ sung nhằm khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thủ tục của nhiều công cụ quản lý mang tính cấp phép dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, gây khó khăn, phát sinh chi phí và thời gian của chủ đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bồi thường thiệt hại về môi trường được quan tâm đặc biệt trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Ảnh minh họa).
TS Võ Trung Tín đề xuất các kiến nghị để có thể thực hiện tốt và áp dụng hiệu quả trên thực tiễn như sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bổ sung hành vi vi phạm về giấy phép môi trường, đồng thời cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 dưới dạng Nghị định và có nội dung về giấy phép môi trường.
Vấn đề về thu gom chất thải rắn sinh hoạt cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các giảng viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia. Về quy định liên quan đến chất thải nguy hại, ThS Trần Linh Huân cho biết, ngoài cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung thêm chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường cũng được phép vận chuyển chất thải nguy hại.
Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 (riêng khoản 3 Điều 29 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021). Luật Bảo vệ môi trường 2020 có 38 nội dung về giải thích thuật ngữ, tăng 9 nội dung so với Luật Bảo vệ môi trường 2014, trong đó có các nội dung mới như: Đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Đăng ký môi trường; Chất ô nhiễm khó phân hủy; Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; Cộng đồng dân cư; Hạn ngạch phát thải khí nhà kính… Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư" vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác bảo vệ môi trường cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành. Đáng chú ý, Luật đã dành một mục riêng (mục 4, chương II) để quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, trong đó có các quy định về di sản thiên nhiên; Việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên; Các nội dung về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên (điều tra, đánh giá, quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ di sản thiên nhiên). |