Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Trong đó, báo cáo cho biết, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 354,7 tỷ USD, giảm 4,6% so với năm trước, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Báo cáo cũng cho hay, trong năm vừa qua có 9/63 tỉnh, thành phố đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Cụ thể, dẫn đầu là TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu đạt 42,4 tỷ USD, xếp sau là Bắc Ninh với kim ngạch đạt 39,3 tỷ USD, thứ 3 là Bình Dương với kim ngạch đạt 30,6 tỷ USD, tiếp sau là Hải Phòng và Thái Nguyên với kim ngạch lần lượt là 26,7 tỷ USD và 25,6 tỷ USD.
TP.HCM dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với kim ngạch năm 2023 đạt 42,4 tỷ USD.
Ngoài 5 địa phương nói trên, tiếp theo còn có Bắc Giang với kinh ngạch đạt 24,4 tỷ USD, Đồng Nai với 21,6 tỷ USD, Hà Nội với 16,6 tỷ USD và cuối cùng là Phú Thọ với 10,5 tỷ USD.
Báo cáo cũng điểm tên 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao nhất so với năm 2022, cụ thể, Lạng Sơn tăng 107%; Hà Giang tăng 65,8%; Hà Tĩnh tăng 49,7%; Cao Bằng tăng 42,7%; Hà Nam tăng 35,8%.
Ở chiều ngược lại, 10 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là Lai Châu (12,9 triệu USD), Điện Biên (22,4 triệu USD), Sơn La (25,5 triệu USD), Bắc Kạn (37,6 triệu USD), Ninh Thuận (62,5 triệu USD), Cao Bằng (85,8 triệu USD), Đắk Nông (100,2 triệu USD), Hà Giang (145,9 triệu USD), Quảng Bình (179,6 triệu USD), Tuyên Quang (183,7 triệu USD)
5 địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh nhất so với năm 2022 gồm: Điện Biên giảm 47,4%; Cà Mau giảm 29%; Lai Châu giảm 22,6%; Thừa Thiên Huế giảm 18,8% và Bạc Liêu giảm 15,8%.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá. Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.
Những khó khăn từ cả nguồn cung nguyên vật liệu và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa đã tác động làm suy giảm kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong năm 2023.
Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường các nước châu Phi đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2022; xuất khẩu sang thị trường Ả rập Xê út đạt 1,1 tỷ USD, tăng 57,5%; sang thị trường UAE đạt 4,0 tỷ USD, tăng 4,3%.
Điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhờ việc mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng dịch Covid-19, xuất khẩu sang thị trường này đạt 49,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2022.
Cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu tiếp tục được duy trì ổn định, nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Trị giá nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước đạt 288,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.