Thanh Thúy ·
2 năm trước
 2915

Những thách thức nào đối với phát triển kinh tế rừng Việt Nam?

Tạo thu nhập từ rừng gắn với quá trình làm cho rừng tốt hơn và ngày càng thể hiện rõ các giá trị cốt lõi của nó, là triết lý căn bản để phát triển kinh tế rừng bền vững.

Trồng rừng và bảo vệ rừng là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững. Phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường, ước tính năm 2019, Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên đạt gần 10,3 triệu ha, rừng trồng đạt 4,3 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%). 

Rừng tự nhiên trong 10 năm từ 2009 – 2019 không có biến động giảm nhiều, điều này chứng tỏ Chính phủ khá chú trọng tới công tác bảo vệ rừng tự nhiên thay vì chỉ quan tâm tới trồng rừng. 

Những tháng đầu năm 2021, phong trào “Tết trồng cây” được các địa phương hưởng ứng, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng cây phân tán để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái. Nhờ đó, số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng 2/2021 tăng cao, ước tính đạt 7 triệu cây và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

giao đất giao rừng

Để phát triển rừng bền vững cần thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng, để không mảnh rừng nào không có chủ; Có các chính sách nhằm nâng cao trách nhiệm, quyền lợi kinh tế của  chủ rừng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời cần đẩy mạnh  liên kết trong sản xuất, khai thác, chế biến  để đem lại giá trị kinh tế cao hơn từ rừng. 

Ba nhóm thách thức chính đối với phát triển kinh tế rừng hiện nay

Theo GS Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, có ba nhóm thách thức chính đối với phát triển kinh tế rừng hiện nay. 

Đầu tiên phải kể đến vấn đề tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế ngành. Trước đây, chúng ta chưa rõ về con đường phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng và cải thiện sinh kế bền vững. Chưa nhận thức rõ sức sống của kinh tế rừng là chuỗi giá trị vận hành theo cơ chế thị trường. Chưa hình dung rõ nét về mô hình của ngành kinh tế - kỹ thuật tích hợp đa mục đích, tối ưu hiệu quả và ích lợi. Có thể nói, đây là thách thức không dễ vượt qua trong quá khứ, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra "độ trễ" của các chính sách trong phát triển kinh tế rừng.

Tiếp đó là rào cản về kinh tế, xã hội và tự nhiên ở vùng rừng núi. Phát triển kinh tế rừng thường diễn ra ở nơi chậm phát triển, khó tiếp cận, yếu cả về thế và lực. Từ vùng núi, trung du, cao nguyên đến vùng ven biển và hải đảo đều chịu nhiều sức ép nảy sinh trong quá trình phát triển nông thôn và đô thị hóa. Các hiện tượng bất lợi và dị thường của thiên nhiên cùng với suy thoái tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn và lâu dài cho phát triển kinh tế rừng.

Thách thức thứ ba là hiệu quả của phát triển kinh tế rừng chậm được biểu hiện trong khi tính bền vững thường mong manh và rủi ro khá cao. Năng suất rừng trồng còn thấp, hiện chỉ đạt bình quân 15-18 m3/ha/năm (bằng khoảng 50-60% so với tiềm năng). Lợi nhuận từ rừng trồng keo, bạch đàn với tuổi khai thác 6-8 năm chỉ đạt 7-12 triệu đồng/ha/năm, chưa tính đến chi phí có thể gây ra suy thoái đất.

Nhiều trường hợp giá thành cao hơn giá bán, nên không có lãi. Chuỗi giá trị lâm sản còn yếu về tiềm lực, thấp về hiệu quả, lỏng về liên kết và mất cân bằng về lợi ích. Công nghệ chế biến lâm sản còn hạn chế, cơ cấu thị trường lâm sản chưa hợp lý. Một số loại dịch vụ môi trường rừng chưa được khai thác thành nguồn thu cho đầu tư phát triển rừng.

Giải pháp bổ trợ phát triển kinh tế rừng là gì?

Một là, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị lâm sản, hướng mạnh ra toàn cầu. Tạo cơ chế và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã lâm nghiệp "làm tổ" tại mỗi vùng nguyên liệu. Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho chủ rừng; hỗ trợ cho người dân, thanh niên khởi nghiệp từ rừng.

Hai là, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu. Khuyến khích tiến trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đưa giống tốt vào sản xuất, thực hiện thâm canh và xác định chu kỳ kinh doanh hợp lý để bảo tồn và bồi bổ đất. Trồng hỗn giao, đa canh, xen canh để phòng chống dịch bệnh.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc mở rộng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó có chi trả dịch vụ thương mại carbon rừng, trao đổi, giao dịch hạn ngạch giảm phát thải.

Bốn là, phát triển "mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm" phù hợp lâu dài với sự đổi thay của thế giới và với cả bối cảnh rủi ro hay dịch bệnh khó lường.

giao đất giao rừng

Giao đất, giao rừng là giải pháp đảm bảo đất lâm nghiệp có chủ

Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ góp phần sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có; Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; Góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ dân có rừng tại các tỉnh miền núi phía bắc còn nhiều khó khăn.

Khái quát lại, giá trị kinh tế của từng loại rừng sẽ được khai thác với hình thức và mức độ ưu tiên khác nhau, nhưng điểm chung là các giá trị đó đều được tích hợp và được tối ưu hóa trong mỗi khu rừng. Phát triển kinh tế rừng là phát triển kinh tế tổng hợp.

Tạo thu nhập từ rừng gắn với quá trình làm cho rừng tốt hơn và ngày càng thể hiện rõ các giá trị cốt lõi của nó, là triết lý căn bản. Phát triển kinh tế rừng nhằm tạo ra cả "tiền tệ lâm sản" và "tiền tệ sinh thái", là xu thế của thời đại. 

Nguồn: