PV ·
3 năm trước
 1281

Ninh Thuận: Bãi đá cổ Karang bị xâm phạm, chính quyền không biết?

Nhiều hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy bãi đá cổ Karang ở tỉnh Ninh Thuận đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Cách làng Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân) chừng hơn 1 km là bãi đá được cho là bãi san hô cổ hóa thạch. Theo nhiều người phỏng đoán đây là bãi san hô cổ hóa thạch có tuổi đời hàng triệu năm.

Theo giới chuyên môn, có thể nơi này trước đây là biển nhưng do sự biến đổi khí hậu và địa chất, bãi san hô này bị vùi lấp và hóa thạch như ngày nay. Người Chăm tại làng Mỹ Nghiệp gọi đó là bãi đá cổ Karang, nghĩa là bãi san hô cổ có từ lâu đời gắn liền với đời sống của người Chăm Ninh Thuận.

Bãi đá cổ Karang trải rộng trên diện tích hàng ha, với hàng nghìn tảng đá lớn, nhỏ hình thù độc đáo, kỳ lạ như san hô hóa thạch. Trên những tảng đá san hô có nhiều loài cỏ dại và cây xương rồng ký sinh tạo nên vẻ đẹp kỳ thú, hấp dẫn người đến tham quan.

Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, rất nhiều hình ảnh về việc bãi đá cổ Karang bị xâm phạm khi bị đào bới, phá huỷ đi những trầm tích hiếm có.

Sau khi được người dân đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, bãi đá cổ Karang đã thu hút nhiều người đến tham quan và nghiên cứu. Tuy nhiên, đây cũng là lúc một số người dân ở địa phương bắt đầu chú ý đến giá trị của bãi san hô cổ nên đã tổ chức san ủi lấn chiếm mặt bằng, xâm hại nghiêm trọng.

Ông Nguyễn An Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Hải, cho biết: “Địa phương đã thành lập các tổ chức năng phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát và kịp thời xử lý các trường hợp khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn xã quản lý. Tuy nhiên, việc người dân khai thác cát và san ủi mặt bằng xâm hại bãi đá cổ Karang thì địa phương chưa nắm được”.

Theo ông Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, do bãi đá cổ Karang mới được phát hiện chưa lâu nên hiện tại Sở cũng chưa có nhiều thông tin về bãi đá này. Tuy nhiên, nhận thấy đây là bãi đá khả năng có nhiều giá trị về mặt nghiên cứu địa chất, môi trường, lịch sử, văn hóa… nhất là bãi đá đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng nên Sở sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiến hành kiểm tra, đánh giá và đề xuất địa phương kịp thời ngăn chặn việc xâm hại bãi đá.

“Qua kiểm tra, đánh giá về chuyên môn, nếu đây thật sự là bãi san hô cổ thì rất có giá trị về nhiều mặt. Chúng tôi sẽ tham mưu cho địa phương đề xuất ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, đánh giá xếp loại di sản để có cơ sở bảo tồn bền vững”, ông Hòa cho biết.

Nguồn