TM ·
2 năm trước
 3704

Nỗ lực loại bỏ khí methane từ các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới

Nỗ lực kiểm soát phát thải khí methane sẽ góp phần không nhỏ vào hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu. Gần đây, 12 tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới đã cam kết cắt giảm phát thải khí methane (CH4) về mức gần bằng 0 vào năm 2030 với mục tiêu bền vững.

Tập đoàn dầu mỏ nỗ lực cắt giảm phát thải khí methane

Ngày 8/3, 12 tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong đó có Saudi Aramco, Shell và Exxon Mobil, đã cam kết cắt giảm phát thải khí methane (CH4) gây hiệu ứng nhà kính về mức gần bằng 0 vào năm 2030.

Quyết định trên được nhóm Sáng kiến khí hậu trong ngành dầu khí (OGCI) đưa ra theo sau lời kêu gọi của các chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hợp quốc 2021 (COP26) nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải methane vào cuối thập kỷ này.

Nỗ lực loại bỏ khí methane từ các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới - Ảnh 1
Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) là một thành viên của nhóm Sáng kiến khí hậu trong ngành dầu khí (OGCI). (Ảnh: Reuters)

Methane là chất khí chính thứ hai gây hiệu ứng nhà kính chỉ sau khí carbon dioxide (CO2). Khí methane có khả năng giữ nhiệt tỏa ra từ Mặt trời cao hơn CO2 nhưng thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn. Điều này có nghĩa là cắt giảm phát thải methane có thể tác động nhanh chóng tới việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Các nguồn phát thải khí methane chính bao gồm cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ, các mỏ than cũ, hoạt động nông nghiệp và các bãi chôn lấp. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), methane chiếm khoảng 16% hiệu ứng nóng lên của các khí nhà kính tồn tại lâu dài kể từ thời tiền công nghiệp. Khoảng 40% khí methane được phát thải vào khí quyển bởi các nguồn tự nhiên (ví dụ, đất ngập nước và mối), và khoảng 60% đến từ các nguồn do con người gây ra (ví dụ, động vật nhai lại, nông nghiệp trồng lúa, khai thác nhiên liệu hóa thạch, bãi chôn lấp và đốt sinh khối).

Nỗ lực loại bỏ khí methane từ các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới - Ảnh 2
Biểu đồ về sự phát thải khí methane. (Ảnh minh họa)

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Chủ tịch OGCI Bob Dudley nhấn mạnh: “Việc loại bỏ khí thải methane từ ngành dầu khí thượng nguồn là một trong những cơ hội tốt nhất trong ngắn hạn để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu và thúc đẩy các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”.

Cũng theo tuyên bố, các thành viên OGCI sẽ báo cáo lượng phát thải khí methane của mình theo định kỳ hằng năm.

Than và dầu mỏ: 2 lĩnh vực dẫn đầu về phát thải khí methane

Vào tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lượng khí methane thải ra từ ngành năng lượng toàn cầu cao hơn 70% so với số liệu báo cáo chính thức, trong đó ngành than được xác định là nguồn phát thải lớn nhất.

Theo IEA, ngành than dẫn đầu lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch về phát thải khí methane với 42 triệu tấn, tiếp đó là ngành khai thác dầu mỏ với 41 triệu tấn và ngành khai thác khí thiên nhiên với 39 triệu tấn.

Lần đầu tiên, báo cáo của IEA đưa ra ước tính phát thải toàn diện cho mỗi quốc gia, trong đó ghi nhận một số dấu hiệu cho thấy những bước tiến trong việc hạn chế phát thải khí methane.

Nỗ lực loại bỏ khí methane từ các tập đoàn dầu mỏ hàng đầu thế giới - Ảnh 3
Than và dầu mỏ: 2 lĩnh vực dẫn đầu về phát thải khí methane. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc COP26 do thành phố Glasgow, Scotland đăng cai năm 2021, hơn 100 quốc gia đã tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn dắt, với mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.

IEA cho biết ngành năng lượng hiện chiếm khoảng 40% lượng khí methane thải ra từ hoạt động của con người. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khác, đặc biệt là nông nghiệp, cũng là những nguồn phát thải khí methane lớn.

“Rò rỉ khí methane đã làm trầm trọng thêm những tác động khí hậu của việc đốt than. Chúng ta không thể phớt lờ vấn đề này lâu hơn được nữa”, ông Anatoli Smirnov, chuyên gia của nhóm nghiên cứu khí hậu Ember có trụ sở tại London, cho hay.

Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, nếu toàn bộ lượng khí methane bị rò rỉ từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch năm ngoái được thu giữ và bán đi, số tiền thu về có thể giúp cung cấp thêm 180 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho thế giới.

Methane là một loại khí nhà kính mạnh tồn tại trong khí quyển khoảng một thập kỷ - thời gian tồn tại ngắn hơn nhiều so với carbon dioxide. Giảm khí methane trong khí quyển trong thời gian ngắn có thể hỗ trợ việc đạt được Thỏa thuận Paris và giúp đạt được nhiều Mục tiêu phát triển bền vững do giảm thiểu khí methane mang lại nhiều lợi ích.

Mục tiêu của Cam kết khí methane toàn cầu, do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đứng đầu, là giảm phát thải khí methane ít nhất 30% vào năm 2030. Hơn 100 quốc gia, bao gồm cả các nước phát thải lớn, đã ký cam kết, sẽ ủng hộ mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên ở mức dưới 2°C.

“Với tư cách là Tổng thư ký Liên hợp quốc, tôi trải qua nhiều trận chiến, nhưng cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu là trận chiến quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Đó là một trận chiến mà chúng ta có thể và phải giành chiến thắng. Chúng ta không thể bỏ cuộc. Tôi sẽ không bỏ cuộc”, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres viết trên Twitter.

“Cuộc đấu tranh Hành động vì Khí hậu đòi hỏi tất cả cùng chung tay. Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người. Mọi quốc gia, mọi thành phố, mọi công ty, mọi tổ chức tài chính phải giảm triệt để, đáng tin cậy & có thể kiểm chứng được lượng khí thải & khử cacbon trong danh mục đầu tư của họ bắt đầu từ bây giờ”, Guterres viết trên Twitter.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn: Kinh tế Môi trường