TM ·
2 năm trước
 2685

Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) - Bộ Công thương cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành giám sát ảnh hưởng nổ mìn tại mỏ đá vôi của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam Nghệ An.

Ngày 4/4/2022, ông Lê Đức Ánh, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết, mới đây, đoàn công tác của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đã tiến hành giám sát ảnh hưởng nổ mìn tại mỏ đá vôi Bài Sơn của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam.

Theo thông tin cho thấy, khu vực bãi mìn giám sát tại khai trường mỏ đá vôi Bài Sơn, thuộc xã Bài Sơn và xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương). Các thiết bị đo được bố trí đối với hộ chiếu nổ mìn, tại các vị trí khác nhau ở khu vực mỏ đá. Việc đo giám sát do Công ty TNHH Môi trường và Tài nguyên khoáng sản MTK (Công ty MTK) thực hiện, với phương pháp đo trực tiếp chấn động và sóng không khí…

Theo kết quả tại buổi giám sát, khi nổ các bãi mìn theo hộ chiếu nổ thử nghiệm ngày 22/3/2022; 5 máy ghi được 11 tín hiệu và các kết quả đều nằm dưới ngưỡng quy định tại Điều 41 Quy chuẩn số QCVN 01:2019. Có 2 máy đặt các vị trí gần nhà dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành) không ghi được kết quả do khoảng cách quá xa.

Tại buổi làm việc, Cục ATMT đã đề nghị Công ty MTK khẩn trương tính toán, lập báo cáo gửi về Cục ATMT xem xét, có ý kiến kết luận về quy mô bãi nổ, lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất, phương pháp nổ mìn tại mỏ ở các khoảng cách để đảm bảo an toàn về chấn động và đá văng đến các công trình, đối tượng cần bảo vệ của các hộ dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành).

Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 1
Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 2
Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 3
Nhà cửa nứt nẻ, tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng động khiến người dân xóm Hồng Thịnh (xã Thịnh Thành) luôn sống trong cảnh bất an, lo lắng.

Trong thời gian Công ty MTK tính toán lượng thuốc nổ và Cục ATMT chưa có ý kiến kết luận về quy mô bãi nổ, lượng thuốc nổ, đề nghị Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy mô và phương pháp theo đúng hộ chiếu nổ mìn thử nghiệm ngày 22/3/2022.

Trước đó, Infonet đã có các bài viết Tường nhà 'há miệng', khói bụi bao trùm, nguy hiểm rình rập cả làng gần mỏ đá”; Tường nhà 'há miệng' nguy cơ đổ sụp: Sẽ thuê đơn vị đo rung chấn do mỏ đá, xác định nguyên nhân nứt nhà; Nhà dân 'há miệng' bên mỏ đá xi măng: Tối đa 1 tấn thuốc nổ thay vì 5 tấn như cũ phản ánh về việc hàng trăm hộ dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) bức xúc khi bị “tra tấn” bởi khỏi bụi, tiếng ồn, rung chấn… từ mỏ đá vôi nguyên liệu của Công ty Cổ phân xi măng sông Lam (thành viên thuộc Tập đoàn The Vissai).

Đặc biệt, vào chiều ngày 11/8/2021, sau tiếng nổ lớn từ mỏ đá vôi của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam, khói bụi mù mịt trắng xóa cả thôn Hồng Thịnh (xã Thịnh Thành) khiến người dân vô cùng hoảng sợ...

Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 4
Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 5
Sau tiếng nổ mìn lớn tại mỏ đá vào chiều 11/8/2021, khói bụi bao trùm cả khu dân cư xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành. (Ảnh tư liệu)

Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 6
Nhà ở của các hộ dân đã bị hư hỏng, có nguy cơ đổ sụp khi mùa mưa lũ đang đến gần.

“Trước tình hình mùa mưa lũ đến gần, nhà ở của các hộ dân có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá, có giải pháp trước mùa mưa lũ năm 2022 để đảm bảo an toàn, người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành) lo lắng nói.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất thử nghiệm chất thuốc nổ

Thông tư Số: 32/2019/TT-BCT, ngày 21/11/2019 của Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ.

Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 7

Điều 5. Yêu cầu chung

1. Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kho bảo quản VLNCN phải đảm bảo khoảng cách an toàn tới các công trình, đối tượng cần bảo vệ theo quy định tại khoản 7 Điều này.

2. Việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa cải tạo cơ sở sản xuất VLNCN; kho bảo quản VLNCN, tiền chất thuốc nổ phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, bảo vệ môi trường, an toàn và PCCC.

3. VLNCN được phân loại theo mức độ nguy hiểm và yêu cầu an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng theo quy định tại Phụ lục 1 của Quy chuẩn này.

4. Nhãn hàng hóa

1.a) Bao bì, thùng chứa VLNCN phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng tại Việt Nam.

1.b) VLNCN an toàn sử dụng cho các mỏ hầm lò có khí, bụi nổ phải có bao gói hoặc các dải bọc màu vàng, màu cam hoặc màu vàng cam để phân biệt với các loại VLNCN khác.

5. Kỹ thuật an toàn

1.a) Kho, phương tiện bảo quản, vận chuyển VLNCN phải được thiết kế, xây dựng phù hợp với yêu cầu an toàn trong bảo quản, vận chuyển đối với từng nhóm VLNCN.

Trường hợp trong cùng một kho hoặc phương tiện chứa nhiều nhóm VLNCN khác nhau, phải lựa chọn các biện pháp an toàn của nhóm VLNCN có yêu cầu bảo quản, vận chuyển với mức độ an toàn cao nhất để phục vụ thiết kế, xây dựng kho hoặc phương tiện chứa, vận chuyển VLNCN. Nguyên tắc chọn nhóm đại diện tuân theo quy định tại Phụ lục 1 của Quy chuẩn này.

1.b) Cho phép bảo quản, vận chuyển chung các loại VLNCN cùng nhóm tương thích theo quy định tại Phụ lục 1 của Quy chuẩn này.

Việc vận chuyển các loại VLNCN khác nhóm trên cùng một phương tiện vận chuyển phải tuân theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Quy chuẩn này.

1.c) Phải thực hiện các biện pháp an toàn khi bảo quản, vận chuyển, sử dụng loại VLNCN nhạy nổ với các nguồn năng lượng điện, cảm ứng điện và tĩnh điện gây ra từ các nguồn thu, phát sóng điện từ tần số radio, giông sét, đường dây điện cao áp hoặc dòng điện lạc. Các biện pháp bao gồm:

- Ngừng hoàn toàn công tác nạp, nổ mìn khi phát hiện có giông, bão, sấm chớp;

- Nối ngắn mạch dây kíp điện hoặc đường dây dẫn của mạng nổ mìn điện khi đã đấu nối toàn mạng nổ;

- Tiếp đất các thiết bị cơ giới nạp thuốc nổ xuống lỗ khoan;

- Khi bảo quản phải để trong các hòm có vỏ bọc kim loại và được lót bằng các loại vật liệu mềm không phát sinh tia lửa, tĩnh điện;

- Kiểm tra và loại trừ sự xâm nhập của dòng điện lạc, dòng cảm ứng điện từ trường vào mạng nổ mìn điện;

- Không được sử dụng thiết bị thu, phát sóng điện từ tần số radio trong phạm vi khoảng cách quy định tại Phụ lục 6 của Quy chuẩn này.

1.d) Chỉ được sử dụng VLNCN đảm bảo các yêu cầu an toàn trong các mỏ hầm lò có nguy cơ phát sinh khí, bụi nổ, khí độc. Trong hầm lò chưa được thông gió, chỉ được sử dụng loại VLNCN không sinh ra lớn hơn 150 l khí độc (quy đổi theo khí CO) khi nổ 01 kg VLNCN.

6. Làm việc, tiếp xúc với VLNCN

1. a) Chỉ những người đủ điều kiện về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí, chức trách đảm nhiệm và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, PCCC, ứng phó sự cố trong hoạt động VLNCN được thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động VLNCN. Khi làm việc với VLNCN mới, người liên quan đến làm việc, tiếp xúc phải được hướng dẫn về các tính chất, biện pháp an toàn khi tiếp xúc, làm việc với VLNCN mới.

1.b) Không để VLNCN bị va đập, xô đẩy hoặc chịu nhiệt độ cao hơn mức quy định của nhà sản xuất. Không đẩy, ném, kéo lê hòm có chứa VLNCN. Không được kéo căng hoặc cắt ngắn dây dẫn của kíp điện, kéo căng, thắt nút hoặc để dây tín hiệu của kíp phi điện chồng lên nhau hoặc chồng lên dây nổ. Không được chọc vào kíp nổ và không được sửa chữa kíp điện, kíp phi điện thành kíp nổ đốt.

1.c) Không được hút thuốc hoặc sử dụng ngọn lửa trần cách vị trí để VLNCN nhỏ hơn 50 m. Không được mang theo người các loại dụng cụ có khả năng phát ra tia lửa (diêm, bật lửa) hoặc các loại thiết bị, phương tiện thu, phát sóng điện từ tần số radio (điện thoại di động, máy thu phát sóng FM) khi làm việc, tiếp xúc với VLNCN. Chỉ người được phân công đốt dây cháy chậm được mang theo dụng cụ lấy lửa khi làm nhiệm vụ.

1.d) Dụng cụ để đóng, mở các hòm VLNCN phải làm bằng vật liệu không phát ra tia lửa khi sử dụng. Không được đi giày có đế đóng bằng đinh sắt hoặc đóng cá sắt khi tiếp xúc với thuốc nổ đen.

đ) Người áp tải hoặc bảo vệ VLNCN trong quá trình bảo quản, vận chuyển được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định pháp luật.

7.Khoảng cách an toàn

1.a) Để bảo vệ nhà, công trình không bị phá hủy do chấn động nổ mìn gây ra, phải xác định khoảng cách an toàn theo quy định tại Phụ lục 7 của Quy chuẩn này.

1.b) Khoảng cách an toàn về truyền nổ đối với nhà kho VLNCN hoặc các bãi chứa VLNCN ngoài trời được xác định theo quy định tại Phụ lục 7 của Quy chuẩn này.

Khoảng cách an toàn về truyền nổ phải chọn giá trị lớn nhất trong số các giá trị khoảng cách truyền nổ và không được nhỏ hơn khoảng cách an toàn về PCCC.

1.c) Để bảo vệ cho người, công trình do tác động của sóng xung kích trong không khí khi nổ mìn gây ra, khoảng cách an toàn phải được xác định theo quy định tại Phụ lục 7 của Quy chuẩn này.

1.d) Khoảng cách an toàn về đá văng được xác định theo thiết kế hoặc hộ chiếu nổ mìn. Tại khu đất trống khoảng cách về đá văng không được nhỏ hơn giá trị quy định tại Bảng 1.

Khoảng cách an toàn đối với người phải chọn giá trị lớn nhất trong hai loại khoảng cách an toàn về sóng xung kích trong không khí và an toàn về đá văng.

Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 8
Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 9

Quy định về giám sát các ảnh hưởng nổ mìn

Điều 40. Quy định chung

1. Khi nổ mìn ở những vị trí gần khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia và các công trình, nhà cửa không thuộc quyền sở hữu của tổ chức sử dụng VLNCN, tổ chức, cá nhân sử dụng VLNCN phải thực hiện việc giám sát các ảnh hưởng của chấn động và sóng xung kích trong không khí đối với con người, công trình trong các trường hợp sau:

1.a) Có khiếu nại của chủ công trình về các ảnh hưởng của chấn động và sóng xung kích trong không khí.

2.b) Hệ số tỷ lệ khoảng cách DS không đạt yêu cầu quy định tại Bảng 2.

Nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam, Bộ Công Thương vào cuộc giám sát - Ảnh 10

“Danh sách đen” doanh nghiệp khai thác đá làm ximăng

Những doanh nghiệp được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam liệt vào “danh sách đen” kết luận thanh tra với hàng loạt vi phạm liên quan đến hoạt động khai khoáng vừa được công bố trong đó có Công ty cổ phần ximăng Sông Lam và Công ty Cổ phần Ximăng Sông Lam 2 (cùng thuộc Tập đoàn The Vissai).

Kết luận thanh tra cho thấy, Công ty cổ phần ximăng Sông Lam do ông Nguyễn Ngọc Oánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm giám đốc có một loạt sai phạm. Cụ thể, trong lĩnh vực khoáng sản, công ty này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất ximăng tại 3 xã Bài Sơn, Hồng Sơn, Văn Sơn thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Mặt khác, qua thanh tra đã phát hiện một loạt vi phạm như: Chưa hoàn thành việc thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định; sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, công ty chưa tiến hành xây dựng cơ bản mỏ; chưa hoàn thành việc xin giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm.

Đối với trường hợp Công ty Cổ phần Ximăng Sông Lam 2 (trụ sở tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), có 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất ximăng tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp này chưa hoàn thành việc điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản.

Một số vị trí khai thác có chiều cao tầng khai thác, góc nghiêng sườn tầng khai thác đã vượt mức so với tính toán trong thiết kế mỏ đã được khai thác. Tại khai trường có một số vị trí đá treo sau nổ mìn, vị trí dễ trượt lở có nguy cơ mất an toàn.

Quá trình xác minh về sản lượng khoáng sản khai thác thực tế so với công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đối với khai thác đá vôi nguyên liệu trong các năm 2016, 2017, 2018, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 đều khai thác vượt công suất cho phép khai thác lần lượt là 528,4%; 467,89% và 477,80%...

Ngoài ra, trong năm 2019, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã tổ chức thanh, kiểm tra một loạt các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất ximăng của các doanh nghiệp khác tại 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Ninh như: Công ty ximăng Nghi Sơn khai thác đá vôi tại thị xã Hoàng Mai; Công ty cổ phần ximăng Vicem Hoàng Mai khai thác đá vôi tại huyện Quỳnh Lưu và huyện Tĩnh Gia; Công ty cổ phần ximăng Fico Tây Ninh khai thác đá vôi tại huyện Tân Châu.

Có 7 doanh nghiệp tại tỉnh Kiên Giang khai thác đá vôi trên địa bàn huyện Kiên Lương cũng được kiểm tra như: Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên; Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1; Công ty cổ phần phân bón và hóa chất Cần Thơ; Công ty cổ phần ximăng Kiên Giang; Công ty trách nhiệm hữu hạn Siam City Cement, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Quân, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phát...

Cơ quan thanh tra qua kiểm tra cũng đã phát hiện các hành vi vi phạm như: Hoạt động khai thác chưa đúng trình tự khai thác đã xác định trong thiết kế kỹ thuật thi công được phê duyệt; khai thác vượt quá công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép; thời gian khai thác chưa phù hợp với giấy phép khoáng sản được cấp; chưa thực hiện nghiêm túc biện pháp bảo vệ môi trường.

Bùi Hằng