Trịnh Thảo Ly ·
3 năm trước
 4225

Núi Thị Vải bị 'băm nát', có tới 17.000 m2 rừng phòng hộ bị san hạ, vì sao cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn?

17.000 m2 là số diện tích quá lớn, gấp gần 3 lần diện tích của Công viên Cầu Giấy, Hà Nội. Và để có thể san hạ đến 17.000 m2 rừng phòng hộ núi Thị Vải thì không thể làm trong chốc lát, đó nhất định là công việc phải tiến hành nhiều ngày. Vậy nhưng tại sao đơn vị quản lý đã không thể phát hiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý?

Vừa qua, hàng ngàn mét vuông đất trên núi Thị Vải, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ đã bị san gạt. Vụ việc san gạt, xây dựng trái phép trên núi Thị Vải với diện tích hàng chục ngàn mét vuông này đã bị báo chí phát hiện.

núi Thị Vải

Trong 4ha đất trên núi Thị Vải bị san gạt, có tới 17.000m2 rừng phòng hộ

Sau khi lực lượng chức năng đo vẽ, xác định diện tích đất khu vực núi Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị san hạ cho thấy tổng diện tích đất bị vi phạm là 31.538,8m2, trong đó có khoảng 17.000m2 thuộc đất rừng phòng hộ, UBND thị xã Phú Mỹ đã chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra để khởi tố vụ án phá rừng.

Số còn lại 14.840,6m2 là của các hộ dân. Phần diện tích bị vi phạm này nằm trong tổng diện tích 35.924m2 đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân với mục đích trồng cây lâu năm.

Tại hiện trường, các hộ dân đã tiến hành san hạ, đào bới làm giảm độ dầy tầng đất, làm kè đá, cải tạo đường đi vào các thửa đất, đắp hồ chứa nước, chẻ đá.

UBND thị xã Phú Mỹ cho biết đối với các hộ dân vi phạm về sử dụng đất trên, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ áp dụng mức phạt vi phạm hành chính, thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 150 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Người có hành vi vi phạm mà không chấp hành thì Nhà nước sẽ thu hồi đất.

Thị Vải

Hiện trạng núi Thị Vải ở Thị xã Phú Mỹ đang bị ‘băm nát’ từ góc nhìn rộng hơn

Tuy nhiên, điều đáng bàn là diện tích đất rừng bị vi phạm như trên là rất lớn nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh, Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ quản lý, thế nhưng theo UBND xã Phú Mỹ, thì đơn vị này đã không phát hiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý.

Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, xét về trách nhiệm, Ban Quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm quản lý rừng, vậy để 17.000 m2 đất rừng phòng hộ bị san hạ nghiêm trọng, tôi muốn hỏi trách nhiệm giám sát, bảo vệ, quản lý của Ban Quản lý rừng phòng đã làm gì?

Thứ hai, 17.000 m2 là số diện tích quá lớn, gấp gần 3 lần diện tích của Công viên Cầu Giấy, Hà Nội. Và để có thể san hạ đến 17.000 m2 rừng phòng hộ núi Thị Vải thì không thể làm trong chốc lát, đó nhất định là công việc phải tiến hành nhiều ngày. Vậy nhưng tại sao đơn vị quản lý đã không thể phát hiện kịp thời để ngăn chặn, xử lý?

Dù báo chí đưa tin rằng sau khi phát hiện sự việc thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký văn bản hoả tốc gửi các Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng và UBND thị xã Phú Mỹ yêu cầu nhanh chóng kiểm tra tình hình san hạ, xây dựng tại khu vực núi Thị Vải, kiến nghị biện pháp xử lý, quản lý gửi về Sở Tài nguyên Môi trường trước ngày 25/6/2021.

Thế nhưng, dù có xử lý sai phạm đến đâu đi chăng nữa, xử lý bao nhiêu tiền của đi chăng nữa, thì mất rừng phòng hộ là sự thật, tổn thương tài nguyên là sự thật. 

Và câu nói "không kịp thời ngăn chặn" là một câu nói không thể thông cảm được, dù có nói lý do gì đi chăng nữa. "Không kịp thời ngăn chặn" vẫn là câu trả lời không thể thuyết phục được những người quan tâm đến việc núi Thị Vải bị san gạt trái phép!