Thanh Tâm ·
2 năm trước
 3127

Nước là tài nguyên quan trọng hàng đầu để tuần hoàn trong một Khu công nghiệp sinh thái

Để hình thành hệ thống khu công nghiệp (KCN) sinh thái - nòng cốt của nền kinh tế tuần hoàn, rất cần khung pháp lý hoàn chỉnh tạo nên môi trường hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Để hình thành hệ thống khu công nghiệp (KCN) sinh thái - nòng cốt của nền kinh tế tuần hoàn, rất cần khung pháp lý hoàn chỉnh tạo nên môi trường hấp dẫn với các nhà đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là đồng bộ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến tài nguyên tuần hoàn để các doanh nghiệp (DN) tăng khả năng cộng sinh.

Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng). Ảnh: Internet

Đại diện KCN Amata tại tỉnh Đồng Nai chia sẻ, dù là 1 trong 3 KCN được chọn thí điểm triển khai Dự án Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận Chương trình KCN sinh thái toàn cầu, nhưng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện KCN sinh thái cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, khó khăn lớn nhất là quan hệ cộng sinh giữa các DN. Thực tế, mỗi DN đều có quy trình, tiêu chuẩn sản xuất hoàn toàn khác nhau. Do đó, việc cộng sinh để tuần hoàn các tài nguyên (nước, rác thải, điện năng lượng…) giữa các DN cực kỳ phức tạp nếu thiếu quy hoạch, đồng bộ. Trong khi đó, vướng mắc về sự đồng bộ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành là rất lớn.

"Đơn cử như việc cộng sinh tuần hoàn tái sử dụng nước. Tập đoàn của chúng tôi tại Thái Lan đã tái sử dụng hoàn toàn nước sau khi xử lý từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa thể áp dụng do hiện nay quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về sử dụng nước thải phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt chưa cụ thể. Mỗi năm, nước đã qua xử lý của KCN Amata phải thoát ra bên ngoài lên tới 3 triệu m3", đại diện KCN Amata thông tin.

Cũng theo đại diện KCN Amata, việc tái chế nước thải cũng khiến nhiều DN thất vọng do Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính chưa có khung giá cho nước tái sử dụng. "Điều này cản trở các DN đầu tư KCN tập trung nguồn lực để thiết lập KCN sinh thái vì đầu ra sản phẩm chưa rõ ràng.

Còn theo đại diện KCN DEEP C, TP Hải Phòng, nước là tài nguyên quan trọng hàng đầu để tuần hoàn trong một KCN sinh thái. Dù luôn cố gắng để trở thành KCN sinh thái tiên phong và chất lượng nước thải của DN sau khi kiểm nghiệm đã cho ra thông số tốt hơn cả nước cấp, có chứng nhận ISO nhưng chính DN cũng không thể sử dụng rộng rãi, không thể bán cho DN khác khi chưa có giấy phép bán nước đã qua xử lý. Hiện các hướng dẫn, thủ tục cấp giấy phép này chưa tạo nên tính chủ động, thu hút được DN tham gia.

Chia sẻ với những khó khăn của DN đầu tư hạ tầng KCN sinh thái, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, việc phát triển KCN theo chiều rộng trong bối cảnh hiện tại đang đối diện nhiều khó khăn, hạn chế do nguồn lực đất đai, lao động, tài nguyên đã tới hạn, đặc biệt chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Do đó, việc phát triển KCN cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp như KCN sinh thái. Các vướng mắc của DN đầu tư KCN sinh thái sẽ được Bộ KH&ĐT tổng hợp, có ý kiến với các bộ, ngành liên quan để sớm có hướng gỡ hiệu quả, phù hợp.

Ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết, KCN sinh thái đã được thể chế khá rõ nét trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế.

Theo Bộ KH&ĐT, định hướng đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã định nghĩa cụ thể hơn về KCN sinh thái với các hoạt động sản xuất sạch hơn và thực hiện cộng sinh công nghiệp (chất thải của DN này là đầu vào của DN khác và được tái sử dụng tuần hoàn). Đồng thời, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy định UBND các tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ về chuyển giao công nghệ trong KCN để đảm bảo cộng sinh công nghiệp giữa các DN.

Theo ông Võ Văn Hoan,Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Nghị định 35/2022/NĐ-CP là chính sách quan trọng để các địa phương có định hướng sớm, ưu đãi cụ thể cho các DN đầu tư KCN sinh thái, các DN trong KCN sinh thái. Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính. Với quy định của Nghị định 35/2022/NĐ-CP, TP.HCM sẽ có cơ chế để phát triển KCN sinh thái bằng các chính sách ưu đãi cụ thể như đang triển khai tại KCN Hiệp Phước. Cụ thể, KCN đã hoàn thiện từ nhà máy xử lý nước thải, nhà trẻ, nhà ở cho công nhân, công viên, khuôn viên cây xanh, trạm y tế, trung tâm sinh hoạt công nhân, siêu thị, khu liên hợp thể thao.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định 35/2022/NĐ-CP đặt tiêu chí tối thiểu 20% DN trong KCN sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn. Với chủ đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh phải chiếm 25%, thay vì 21% như trước đang phù hợp với các quy định chuyên ngành về xây dựng hạ tầng KCN. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ có góp ý hoàn thiện thông tư hướng dẫn Nghị định 35 nhằm xây dựng các bộ tiêu chí của một KCN sinh thái hướng tới đặt mục tiêu phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi đầu tư KCN sinh thái từ đầu vào cho tới đầu ra các sản phẩm.

Đại diện UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc) tại Việt Nam cho biết, để khuyến khích DN tham gia xây dựng KCN sinh thái, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc thống nhất cơ chế, chính sách, đặc biệt hỗ trợ về tiêu thụ, cộng sinh DN trong việc tái chế, tái sử dụng nguồn nước, năng lượng tái tạo. Đối với những tỉnh, thành phố đang lập quy hoạch xây dựng thêm KCN mới, thì phải theo mô hình KCN sinh thái, có định hướng rõ ràng để cộng sinh DN trong KCN sinh thái./.