PN ·
2 năm trước
 2792

Ồ ạt chuyển đổi trồng lúa sang đất phi nông nghiệp - Hệ lụy nhãn tiền

Một số dự án có sử dụng đất lúa nhiều ở Đồng Nai là Khu dịch vụ cảng hậu cần Phước An (109 ha); KDC An Thuận (45 ha); Cảng tổng hợp Việt Thuận Thành (35 ha); KDC Phước Thiền (35 ha); KDC Long Tân (30 ha); KDC Hố Nai 3 (29 ha).

Chuyển mục đích đất lúa theo nhu cầu?

Trước nhu cầu triển khai các dự án khu dân cư, hồ chứa nước, cảng, cụm công nghiệp, địa điểm du lịch sinh thái,…; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế đô thị và công nghiệp, năm 2022, tỉnh Đồng Nai có kế hoạch tiếp tục chuyển đổi khoảng 677 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Thông tin này được ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết ngày 18/2 vừa qua.

Hiện đã có 5 dự án với diện tích đất trồng lúa 255 ha đã được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phối cảnh dự án Khu dịch vụ cảng hậu cần Phước An, huyện Nhơn Trạch
lấy đi khoảng 109 ha đất trồng lúa.

Cụ thể, một số dự án có sử dụng đất trong lúa nhiều là Khu dịch vụ cảng hậu cần Phước An, huyện Nhơn Trạch khoảng 109 ha; Khu dân cư An Thuận (Victoria City) 45 ha; Cảng tổng hợp Việt Thuận Thành 35 ha; Khu dân cư Phước Thiền 35 ha; Khu dân cư xã Long Tân 30ha; Khu dân cư xã Hố Nai 3 khoảng 29 ha.

Từ năm 2016 - 2020 diện tích đất lúa của tỉnh Đồng Nai giảm hơn 5.200 ha - tỉ lệ giảm 17% trên tổng diện tích so với năm 2016.

Các dự án lớn tỉnh Đồng Nai triển khai đa số tập trung ở TP. Biên Hòa và huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Đây là những vùng đang phát triển mạnh về kinh tế cũng như thu hút đông lao động đến sinh sống làm việc. Vì vậy nhu cầu về nhà ở, cụm công nghiệp… tại các địa phương này rất lớn và cần có nguồn đất mới để phục vụ làm dự án.

Trước đó, tại Kết luận thanh tra số 2286/TB-TTCP, ngày 24/12/2021, Thanh tra Chính phủ  đã chỉ ra sai phạm của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai khi giao đất, cho thuê đất trồng lúa để nhà đầu tư thực hiện dự án nhưng trong quyết định không thể hiện cụ thể đất chuyên trồng lúa, dẫn đến gặp khó khăn trong việc xác định để thu tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa theo quy định.

Hàng loạt dự án được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phê duyệt giá đất sai quy định gồm khách sạn, nhà hàng, siêu thị Trảng Bom; Khu dân cư Núi Dòng Dài; Khu dân cư xã An Phước; Khu dân cư phường Thống Nhất; Kho ngoại quan và cung cấp dịch vụ logistics; Khu sinh thái và nhà vườn Sen Việt...

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Nai rà soát, xác định rõ diện tích đất trồng lúa trả lại hiện trạng đất chuyên trồng lúa được chuyển mục đích sử dụng tại các dự án đầu tư trên địa bàn để tính thu tiền bảo vệ và phát triển đất chuyên trồng lúa. 

Nhiều khu đất trồng lúa chuyển đổi làm dự án không hiệu quả, sai phạm

Thực trạng chuyển đổi mục đích đất trồng lúa để làm dự án bất động sản diễn ra ở nhiều địa phương, tuy nhiên không phải dự án nào cũng đạt hiệu quả như mục tiêu ban đầu đề ra. Đơn cử, Dự án Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng lấy đi hơn chục ha đất trồng lúa của người dân. Hơn 10 năm qua, diện tích đất trông lúa của người dân đã bị thu hồi làm cụm công nghiệp, nhưng cho đến nay thông tin dự án không còn nhiều.

Trên thực địa cũng không có nhiều công ty, xí nghiệp xuất hiện. Nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng nhưng không có đất sản xuất, cần việc làm mà cụm công nghiệp lại không đáp ứng được.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án Dịch vụ - Du lịch sinh thái Phúc Nguyên Phương ven hạ nguồn sông Truồi (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) có diện tích hơn 1,7 ha. Hầu hết diện tích này là đất trồng lúa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016.

Nhưng hơn 5 năm qua, dự án này chưa định hình bất kỳ sản phẩm du lịch, sinh thái nào. Ngoại trừ 2 khối nhà bê tông cao tầng xây dựng trái phép trên một cánh đồng trồng lúa và hoa màu ven sông Truồi

Do chậm trễ triển khai, dự án từng được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép giãn tiến độ thực hiện tại Công văn 6870/UBND-QHXT ngày 23/9/2019. Dự án xác định thời hạn mới hoàn thành, đưa vào hoạt động là vào quý 3/2020. Tuy nhiên, dự án sau mốc thời gian đó vẫn tiếp tục chậm tiến độ, thậm chí chưa thể hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Quá trình triển khai dự án Dịch vụ - Du lịch sinh thái Phúc Nguyên Phương, chủ đầu tư còn xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp khi chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, mà còn chậm tiến độ triển khai kéo dài.

Được biết, trước đây khu vực đất đai mà chủ đầu tư sử dụng tại dự án là theo hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, việc giao đất, cho thuê đất này không phù hợp quy định hiện hành, cần phải làm thủ tục đưa ra đấu giá công khai (phần đất do nhà nước quản lý).

Theo thông tin từ kết luận 355 của Thanh tra Chính phủ (ngày 4/3/2021), dự án Dịch vụ - Du lịch sinh thái Phúc Nguyên Phương thuộc diện chậm tiến độ, đề nghị địa phương rà soát, xử lý theo thẩm quyền.

Mới đây nhất là dự án Khu đô thị mới Thanh Minh có diện tích 92 ha (trong đó có 30,86 ha đất trồng lúa) xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đất Việt - Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 4.390 tỉ đồng bị phản ánh có nhiều sai phạm.

Thông tin từ nhiều cơ quan báo chí thể hiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành mới chấp thuận UBND tỉnh Phú Thọ quyết định chuyển mục đích sử dụng 30,86 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thanh Minh.

Nhưng từ giữa năm 2021, khi dự án Khu đô thị mới Thanh Minh chưa được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường... nhưng chủ đầu tư đã rầm rộ cho san lấp, làm một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Đội Thanh tra trật tự đô thị thị xã Phú Thọ đã phát hiện sự việc và lập biên bản yêu cầu Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Đất Việt tạm dừng thi công công trình tại dự án Khu đô thị mới Thanh Minh đến khi nào đầy đủ hồ sơ mới được tiếp tục triển khai.

Luật Đất đai 2013 quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc bảo vệ đất trồng lúa, cụ thể:

- Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

- Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây:

+ Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên.

+ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa.

- Đối với công tác thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác.

- Hạn chế về việc nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa:

+ Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn đầu tư 4.760 tỷ đồng để cải tại, sửa chữa nâng cấp các cầu, hầm, bán kính cong nhằm nâng cao năng lực chạy tàu và đảm bảo an toàn giao thông.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn đầu tư 4.760 tỷ đồng để cải tại, sửa chữa nâng cấp các cầu, hầm, bán kính cong nhằm nâng cao năng lực chạy tàu và đảm bảo an toàn giao thông.

Nguồn: Kinh tế Môi trường