Thành Vũ ·
1 năm trước
 9082

Ô nhiễm không khí liên quan đến gia tăng kháng kháng sinh toàn cầu

Kháng kháng sinh là mối đe dọa ngày càng tăng với sức khỏe trên toàn cầu. Đây là nguyên nhân gây ra hơn 1,27 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019.

Người ta dự đoán tình trạng kháng kháng sinh (bao gồm cả khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn) có thể góp phần gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050.

Vi khuẩn kháng kháng sinh chủ yếu lây sang người qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy đây không phải là cách lây nhiễm duy nhất. Theo các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và Anh, ô nhiễm không khí cũng có thể làm lan rộng tình trạng kháng kháng sinh. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá toàn diện mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu.

Bài báo đã phân tích các nghiên cứu trước đây về mô hình lan truyền kháng kháng sinh trong không khí trong gần hai thập kỷ. Họ đã xem xét 12 nghiên cứu được thực hiện trên 116 quốc gia – bao gồm Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc. Những nghiên cứu này đánh giá sự xuất hiện của vi khuẩn hoặc gene kháng kháng sinh trong khí quyển.

Nghiên cứu đã xem xét loại bụi ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất – PM2.5. Đây là vật chất dạng hạt có đường kính 2,5 micromet – khoảng 3% đường kính của một sợi tóc người, không thể nhìn thấy bằng mắt thường và con người rất dễ dàng hít phải.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng kháng kháng sinh tỉ lệ thuận với nồng độ PM2.5 trong không khí. Cụ thể, nồng độ PM2.5 tăng 10% liên quan đến sự gia tăng 1,1% tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu và 43.654 ca tử vong do lây nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh.

Mức độ kháng kháng sinh cao nhất ở Bắc Phi và Tây Á. Đây cũng là những khu vực bị ô nhiễm PM2.5 nghiêm trọng nhất. So sánh với châu Âu và Bắc Mỹ – nơi có nồng độ PM2.5 trung bình thấp nhất – cũng có mức độ kháng kháng sinh thấp hơn.

Theo nghiên cứu, chỉ cần tăng 1% nồng độ PM2.5trên tất cả các khu vực, khả năng kháng các loại kháng sinh của vi khuẩn Klebsiella pneumoniae – thường lây lan trong bệnh viện và có thể gây viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng đường tiết niệu, cũng gia tăng. Thậm chí, chúng có thể kháng cả polymyxin – giải pháp cuối cùng cho kháng kháng sinh. Dù Klebsiella không lây lan qua không khí, song điều này cho thấy ô nhiễm không khí có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc dễ dàng phát triển và lây lan trong môi trường hơn.

Nghiên cứu cho thấy có một mối liên hệ đáng kể giữa ô nhiễm không khí và tình trạng kháng kháng sinh. Dù các tác giả không đưa ra bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa chúng, song họ đã tìm thấy các gene kháng kháng sinh trong DNA của vi khuẩn được giải trình tự từ các mẫu không khí. Điều này cho thấy, PM2.5 có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của vi khuẩn và gene kháng kháng sinh qua không khí.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tình trạng kháng kháng sinh.

Người ta đã chứng minh ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ gây bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn này có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh. Một nghiên cứu ở Hồng Kông cho thấy mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm PM2.5 và bệnh lao. Cụ thể, sự gia tăng nồng độ PM2.5trong mùa đông có liên quan đến sự gia tăng 3% số ca mắc bệnh lao vào mùa xuân và mùa hè năm sau.

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa hiểu rõ cơ chế lây lan tình trạng kháng kháng sinh trong ô nhiễm không khí. Đây là vấn đề quan trọng đối với các nghiên cứu trong tương lai. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng quan tâm vai trò của các yếu tố khác (ngoài PM2.5) có thể góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh như thế nào. Ví dụ, tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, thực phẩm chúng ta ăn, sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật và thảm họa môi trường.

Với nhiều tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, nghiên cứu này củng cố thêm các lập luận nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm trên toàn cầu.