Hiện nay, quan trắc giám sát tài nguyên đất là một hoạt động quan trọng nhằm cung cấp các số liệu định kỳ để theo dõi thường xuyên tình hình thực trạng chất lượng tài nguyên đất và là cơ sở để dự báo các nguy cơ gây thoái hóa đất, ô nhiễm đất,... xác định mức độ tác động của con người, biến đổi khí hậu đến đất đai, làm rõ nhân tố và nguồn tác động, góp phần đề xuất các giải pháp phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc “Điều tra, đánh giá tài nguyên đất” là một trong những nội dung quản lý Nhà nước về đất đai (Khoản 3, Điều 22), trong đó việc “Xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất” là một hoạt động trong điều tra, đánh giá đất đai (Khoản 1, Điều 32).
Tại Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó quy định hoạt động điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội (cấp vùng) gồm các hoạt động sau đây: “...b) Quan trắc giám sát tài nguyên đất” và “Hoạt động quan trắc giám sát tài nguyên đất được thực hiện hàng năm”.
Nhằm góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 18/9/2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện “Đề án quan trắc, giám sát tài nguyên đất”.
Đối tượng quan trắc giám sát tài nguyên đất là toàn bộ diện tích tự nhiên (trừ đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, mặt nước chuyên dùng, đất quốc phòng, an ninh và núi đá không có rừng cây) được quy định tại Thông tư số 60/2015/TT-BTNMT ngày 15/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nội dung kỹ thuật quan trắc giám sát tài nguyên đất được quy định chi tiết tại Chương 6, từ Điều 52 đến Điều 54 của Thông tư này. Trong đó những nội dung cần quan trắc gồm: độ phì đất; mặn hóa, phèn hóa; xói mòn, rửa trôi; khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; kết von, đá ong hóa; sạt lở, bồi tụ; ô nhiễm đất.
Về kỹ thuật quan trắc tài nguyên đất, mặc dù đã được quy định tại Thông tư số 60/2015/TT-BTNMT từ năm 2015, nhưng đến nay định mức kinh tế - kỹ thuật vẫn chưa được xây dựng.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2016/TT-BTNMT ngày 07/11/2016 quy định Định mức kinh tế kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai, nhưng mới chỉ bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật cho các hoạt động điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất; điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và điều tra, phân hạng đất nông nghiệp; riêng hoạt động quan trắc tài nguyên đất vẫn còn chưa có Định mức kinh tế - kỹ thuật.
Vì vậy, khối lượng công việc, dự toán kinh phí, đơn giá sản phẩm,... liên quan đến hoạt động quan trắc tài nguyên đất vẫn chưa có cơ sở pháp lý để tính toán đầy đủ, chính xác, gây không ít khó khăn cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện và nghiệm thu sản phẩm của hoạt động quan trắc tài nguyên đất.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng Thông tư ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc tài nguyên đất là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho việc lập, triển khai thực hiện, thẩm định và quyết toán các công việc có liên quan tới công tác quan trắc tài nguyên đất, nhằm đưa công tác này đi vào nền nếp, thực hiện thường xuyên, góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đất.
Căn cứ Quyết định số 2602/QĐ-BTNMT ngày 28/12/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 215/QĐ-BTNMT ngày 27/01/2022 thành lập Tổ soạn thảo Thông tư ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc tài nguyên đất.
Theo đó, Tổ soạn thảo đã tổ chức xây dựng dự thảo Thông tư, gửi đăng tải dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, gửi lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan.
Lan Anh
Nguồn: Kinh tế Môi trường