Nhịp đập nghiên cứu khoa học từ trái tim người mẹ
Tôi gặp PGS TS Hoàng Thị Thu Hương vào buổi chiều muộn. Người phụ nữ làm khoa học đối diện tôi mang lại sự trẻ trung, thẳng thắn và giàu cảm xúc đến bất ngờ.
PGS TS Hoàng Thị Thu Hương cho biết, lĩnh vực chị nghiên cứu hiện nay khác với chuyên ngành Công nghệ hoá học mà chị đã theo học ở Liên xô cũ. Sau khi trở về nước đi làm, chị mới bắt đầu thực sự quan tâm tới vấn đề môi trường.
PGS. TS. Hoàng Thị Thu Hương. Ảnh: HUST
"Công việc đầu tiên của tôi là ở một trung tâm tư vấn về môi trường và có điều kiện được đi nhiều nơi. Khi tôi theo học chương trình cao học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và gặp gỡ với các thầy cô là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, mong muốn nghiên cứu những tác động của các hoạt động sản xuất đến hệ sinh thái được hình thành. May mắn nhận được học bổng của Chính phủ Australia cho chương trình Thạc sỹ về Khoa học ứng dụng trong đất và nước, càng cho tôi nhận thấy sự thú vị cũng như quyết định dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực này. Sau khi kết thúc khóa học, tôi quay trở lại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và đến nay, tôi đã có 20 năm làm việc tại đây", PGS TS Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ.
Câu chuyện dẫn đến những trăn trở rất nhân văn khi PGS TS Hoàng Thị Thu Hương kể về những đứa trẻ lớn lên ở những làng hoa - nơi cung cấp một lượng hoa lớn cho Hà Nội - bị ảnh hưởng sức khoẻ. Trẻ bị dị tật, phát triển chậm chiếm một tỷ lệ cao hơn so với các vùng khác.
"Điều này là bất công. Trẻ không có quyền lựa chọn điều kiện sống cho mình, quyền đó thuộc về người lớn. Nhưng cha mẹ chúng lại lựa chọn vì lợi ích trước mắt hoặc do không hiểu hết những tác động dài lâu của môi trường ô nhiễm tới sức khoẻ. Từ đó, những nghiên cứu của tôi tập trung tập trung nhiều hơn về các tác động của ô nhiễm đến hệ sinh thái nước, môi trường nước", PGS TS Hoàng Thị Thu Hương cho biết.
PGS TS Hoàng Thị Thu Hương (ngoài cùng bên phải) trong một lần thực địa ở Quảng Bình. Ảnh: NVCC
Nhắc về lựa chọn cũng như việc trẻ em không có quyền quyết định, PGS TS Hoàng Thị Thu Hương nhớ lại khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh, chồng đi làm và con ở với bà.
"Thời gian đó tôi đi thực nghiệm khá nhiều ở lưu vực sông Cầu và kết hợp với nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Vương quốc Bỉ. Tôi chỉ nghĩ một điều là con còn nhỏ ăn no, ngủ kỹ, khoẻ mạnh là được. Nhưng một thời gian sau, tôi nhận thấy con có những rối loạn về cảm xúc. Nguyên nhân từ việc có những hôm tôi đưa con đến trường, chiều con không thấy mẹ đến đón và không gặp mẹ khoảng một tuần sau đó. Hoặc bỗng một ngày, tối con ngủ cùng mẹ nhưng sáng dậy và cả tuần sau đó mẹ không về, có khi cả tháng hoặc vài tháng mới được gặp. Dần dần đã trở thành nỗi ám ảnh với con mà tôi không để ý đến. Đây là điều khiến tôi thấy có lỗi nhất khi đã đánh giá thấp cảm xúc của con trẻ. Nhận ra điều này tôi đã tìm mọi cách để được gần con hơn, chia sẻ và cũng tạo cho con sự tự lập hơn".
Đến đây, dường như con đường nghiên cứu khoa học đã mang theo trăn trở của một phụ nữ, một người mẹ. PGS TS Hoàng Thu Hương trải lòng: "Tôi làm về nghiên cứu môi trường mang rất nhiều tâm thế của người mẹ. Thực sự bọn trẻ không có quyền quyết định. Con tôi đã không có quyền lựa chọn mẹ ở nhà hay đi vắng. Cũng như rất nhiều đứa trẻ đang ở môi trường bị ô nhiễm, chịu hậu quả từ hành động của người lớn. Tôi nghĩ tôi phải làm một việc cụ thể để gìn giữ cho con mình, cháu mình và đời sau".
Tất cả là sự sắp xếp
Vậy làm thế nào để làm tròn vai, khi vừa là một người phụ nữ trong gia đình, vừa là giảng viên, là nhà nghiên cứu? PGS TS Hoàng Thị Thu Hương cho biết, thỉnh thoảng cũng có người hỏi chị làm nghiên cứu khoa học có khó khăn gì không khi là nữ giới. Trả lời tôi, chị nói: "Tất cả là sự sắp xếp".
Khẳng định môi trường làm việc của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn khuyến khích nghiên cứu khoa học và được gia đình tạo điều kiện nhưng PGS TS Hoàng Thị Thu Hương cho rằng để đi được con đường nghiên cứu, chị đã lấy đi nhiều quỹ thời gian của bản thân.
"Tôi luôn trong tình trạng thức khuya, bỏ đi nhiều thú vui làm đẹp. Làm khoa học là đường dài mà để đi được thì phải có hoạch định. Tôi cũng là người muốn nhiều thứ. Do đó, tôi luôn luôn phải cố gắng", PGS TS Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ.
Những trái ngọt trong chặng đường nghiên cứu của PGS TS Hoàng Thị Thu Hương được thể hiện qua nhiều đề tài có tính ứng dụng cao như: Xây dựng báo cáo số liệu nền chất lượng các hồ Hà Nội của Dự án “Bảo tồn di sản - Bảo vệ tương lai: Hướng tới bảo vệ và gìn giữ môi trường hệ thống hồ Hà Nội bền vững có sự tham gia của cộng đồng”; Nghiên cứu đặc điểm hồ đầm phú dưỡng tại khu vực Hà Nội và phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo phân loại mức độ phú dưỡng của thủy vực; Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo tính độc của kim loại đối với loài thủy sinh trong hồ Hà Nội trên cơ sở ứng dụng phần mềm BLM; Nghiên cứu, phát triển giải pháp bền vững để tuần hoàn, tái sử dụng nước thải cho doanh nghiệp và cộng đồng; Thúc đẩy các sáng kiến tái sử dụng nước theo tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó là nhiều công bố quốc tế được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao. |
PGS TS Hoàng Thị Thu Hương trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề môi trường ở hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: NVCC
Bác bỏ quan niệm hy sinh thường gắn chặt lấy người phụ nữ, đặc biệt với việc mình yêu thích, PGS TS Hoàng Thị Thu Hương cho rằng: “Thường tôi không đặt chuyện phải hy sinh. Nếu hy sinh, mình sẽ cảm thấy mất mát, thua thiệt. Hoặc nếu mình đặt quá nhiều kỳ vọng mà không đạt được thì sẽ không còn niềm vui nữa. Trong khi, đây lại là công việc mình yêu thích. Mặt khác, nếu nói là công việc này cần hy sinh, mất mát thì sẽ không thể thu hút được sinh viên cùng đồng hành với mình”.
Trong bất cứ lĩnh vực nào, nếu muốn đạt được thành quả đều cần sự nuôi dưỡng. Tình yêu với nghiên cứu khoa học trong PGS TS Hoàng Thị Thu Hương cũng như thế. “Ở lĩnh vực khoa học, nếu bạn càng đi thì cánh cửa càng rộng mở hơn. Trong trường đại học, việc nghiên cứu gần như bắt buộc. Nếu không nghiên cứu thì không có cái mới, bài giảng không bao giờ được cập nhật, không thu hút được sự quan tâm của sinh viên”.
Ở góc độ giảng viên, theo PGS TS Hoàng Thị Thu Hương, người thầy ngày nay không đơn thuần cung cấp kiến thức mà làm thế nào giúp sinh viên thu nhận được kiến thức phù hợp. Thời đại công nghệ số, kinh tế số và AI (trí tuệ nhân tạo) đã tạo điều kiện rất nhiều cho học tập, nghiên cứu và công việc nhưng sinh viên và có khi cả giảng viên cũng bị lạc vào thế giới thông tin. Giảng viên không chỉ dạy kiến thức nền tảng mà còn dạy sinh viên cách đánh giá thông tin nhiều chiều, nghi ngờ nhiều hơn. Tin giả trong khoa học môi trường thậm chí nhiều khi có tính khoa học hơn tin thật. Điều chị mong muốn là làm sao sinh viên thích học, thích khám phá và làm việc có ích.
Cùng với sinh viên. Ảnh: NVCC
Quan điểm của PGS TS Hoàng Thị Thu Hương là trò phải giỏi hơn thầy, sóng sau cao hơn sóng trước mới là sự phát triển của giáo dục. Sinh viên phải cố gắng ít nhất mỗi tuần có một câu hỏi. Thậm chí, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể không làm việc ngành từng theo học nhưng những kiến thức học được từ kỹ thuật môi trường một lúc nào đó sẽ có ích trong cuộc sống của các em và giúp các em sống có trách nhiệm hơn.
Thừa nhận mình là một người muốn nhiều thứ và đôi khi vắt kiệt sức lao động để đạt được điều mong muốn, nhưng đến hiện nay, PGS TS Hoàng Thị Thu Hương vẫn đang trên đường tìm điểm cân bằng tốt hơn. Đó có thể là một đội ngũ cùng sát cánh bao gồm cả đồng nghiệp và sinh viên tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học.
Trước khi kết thúc câu chuyện, người phụ nữ với nhiều thành quả ấn tượng trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy vẫn kiên định: Không có gì là quá dễ, nếu đã theo đuổi đam mê thì phải hết lòng. Khi mình hết lòng thì cuộc sống sẽ không bao giờ quay lưng với mình. “Đó là điều tôi thấy ở mình và để sinh viên nhìn thấy”, PGS TS Hoàng Thị Thu Hương nhấn mạnh.