TP ·
2 năm trước
 6693

Phạt tiền khi không phân loại rác: Nhiều người bỡ ngỡ, liệu có khả thi?

Việc phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác và chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ việc phân loại rác, tuy nhiên cho rằng còn nhiều trở ngại, cần có biện pháp tuyên truyền rộng rãi.

Từ ngày 25.8 tới, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nội dung này thuộc Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhằm thực thi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.

Đây là một trong những quy định mới nhất, nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với những điều khoản liên quan đến thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, tận dụng tài nguyên có thể tái chế.

Rác của Hà Nội và các đô thị khác của Việt Nam vẫn được chất đống hàng ngày và chôn lấp.

Việc phân loại rác thải nhận được sự ủng hộ của người dân thủ đô, tuy nhiên nhiều người vẫn bày tỏ băn khoăn. Anh Tuấn Anh (Nam Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cho rằng việc phân loại rác sẽ giúp các công ty vệ sinh giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Thực tế nhận thực về việc phân loại rác thải nơi tôi sinh sống là chưa cao, vì thế làm sao để tác động đến ý thức của từng người dân là rất quan trọng".

Trong khi đó anh Nguyễn Duy (Tây Hồ - Hà Nội) lại cho biết, anh chưa nắm được thông tin cũng như hướng dẫn về việc phân loại rác. 

"Tôi chưa nắm được thông tin này, nhưng nếu là quy định của Nhà nước thì tôi sẽ thực hiện. Nơi tôi ở thường rác thải để lẫn lộn, nhiều người còn vứt bừa bãi. Ngay cả việc vứt rác ở nơi có biển cấm nhiều người còn thực hiện thì tôi cho rằng việc này sẽ khá khó".

Giới chuyên gia nhận định, phân loại rác tại nguồn là mấu chốt để xử lý rác thải sinh hoạt. Vì vậy việc quy định xử phạt nếu hộ gia đình không phân loại rác là chế tài cần thiết.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay Hà Nội thu tiền phí rác thải là 6.000 đồng/người/tháng. Người thải nhiều hay thải ít có cùng mức đóng như nhau. Điều này không khuyến khích người dân hạn chế xả rác ra môi trường, không thực hiện được phân loại rác tại nguồn.

TS. Hoàng Dương Tùng cho biết ở nước phát triển, nguyên tắc triệt để là người gây ô nhiễm phải trả tiền, càng xả nhiều rác, càng gây nhiễm, càng phải trả nhiều tiền. Điều này là rất bình thường và cũng cần thiết để đưa rác thải về đúng quy trình nghiêm ngặt, bảo vệ môi trường.

Mỗi ngày, có khoảng hơn 9 nghìn tấn rác sinh hoạt ở TP Hồ Chí Minh. Đà Nẵng là khoảng hơn 1,2 nghìn tấn. Còn thành phố Hà Nội phát sinh gần 7 nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Hầu hết lượng rác tại Hà Nội hiện nay được chôn lấp là chủ yếu. Giới chuyên gia nhận định việc phân loại rác là chế tài cần thiết.

Nhiều nước trên thế giới đã phân loại rác tại nguồn từ lâu. Ví dụ ở thủ đô Brussels (Bỉ), việc sử dụng các túi rác khác nhau giúp người dân rất dễ dàng phân loại tại nguồn. Còn ở Nhật Bản, Nhà nước chỉ trợ giá cho một số túi nhất định, sau đó người dân phải trả tiền khá cao để mua túi đựng rác chuyên dụng.

Tới đây thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định.

Đơn vị thu gom rác cũng có trách nhiệm thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. Việc này thúc đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn. Nhiều người cho rằng nếu vậy người ta sẽ vứt rác trộm, vứt bừa bãi bất cứ đâu mà không ai kiểm soát được.

TH