Nhằm thực hiện Đề án "Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025" của UBND thành phố Hà Nội, ngày 9/1, vừa qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm "Vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường và ra mắt mô hình điểm phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn".
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh, vấn đề bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội ngày càng trở nên cấp thiết, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và mỗi người dân.
Quang cảnh hội nghị.
Phụ nữ có mối liên hệ mật thiết với môi trường tự nhiên không chỉ trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày mà còn là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm môi trường và những hậu quả của biến đổi khí hậu. Phụ nữ cũng là người có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành thành ý thức, thay đổi hành vi của trẻ em và các thành viên gia đình trong bảo vệ môi trường do đó, vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.
Xuất phát từ nhận thức về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của thành phố, trong nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ.
Nổi bật là các cấp Hội phụ nữ toàn thành phố đã sáng tạo, đổi mới các phương thức truyền thông nâng cao nhận thức; xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng như: "Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản", "Đoạn đường/tuyến phố bích họa, nở hoa do phụ nữ tự quản", "Đổi phế liệu lấy cây xanh", "sạch đồng ruộng", "Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần", "Thùng rác thân thiện", "Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn"; "Xử lý rơm rạ sau thu hoạch"…
Các hoạt động của Hội đã góp phần quan trọng trong việc dần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tích cực, nếp sống văn minh trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế và xuất hiện những khó khăn, thách thức mới trong công tác tham gia bảo vệ môi trường của Hội.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn, thách thức mới trong công tác tham gia bảo vệ môi trường; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức từ việc thực hiện các mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ; đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả mô hình trong thời gian tới tại các hộ gia đình hội viên.
Trong khuôn khổ chương trình, đã ra mắt mô hình điểm "Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn". Đây là hoạt động khởi động việc thực hiện đề án "Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025" do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố xây dựng và được UBND thành phố phê duyệt năm 2022, nhằm tiếp tục thúc đẩy vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Lâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Từ cuối tháng 4/2021 đến cuối năm 2021, xã đã có 70 gia đình hội viên biết cách phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, duy trì thường xuyên, đồng thời nhân rộng mô hình ra 100% chi bộ thôn và các Hội đoàn thể. Rác thải hữu cơ sau khi được xử lý qua chế phẩm IMO4 đã được các hộ gia đình dùng tưới cây, làm phân bón cho cây trồng tại vườn nhà, bón ruộng hoặc làm thức ăn chăn nuôi (gà, vịt, lợn) tùy theo điều kiện của từng gia đình. Thời gian qua, xã đã tập huấn cho lãnh đạo thôn, trưởng phó các đoàn thể, hội viên phụ nữ, đại diện hộ gia đình nhận diện và phân biệt rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, phương pháp phân loại rác, cách thức sử dụng chế phẩm IMO4 để khử mùi hôi thối của rác và xử lý rác thải thải hữu cơ thành nguồn phân bón cho cây trồng, cách thức khử mùi hôi của chuồng trại, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ... bằng chế phẩm IMO4, cách thức tạo ra chế phẩm IMO4, cách thức nhân bản chế phẩm IMO4. Đến nay xã có10/10 thôn trên địa bàn đã và đang triển khai thực hiện, khoảng 700 hộ dân được hướng dẫn trực tiếp và biết cách thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nhà. Đồng thời biết cách sử dụng chế phẩm IMO4 vào mục đích gia đình mình (chăn nuôi, làm thức ăn chăn nuôi, khử mùi hôi thối chuồng trại, xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ...). |