Thanh Tâm ·
1 năm trước
 5568

Quản lý, phân loại rác: Vẫn khó đủ đường

Thu gom, xử lý rác thải từ lâu đã trở thành một vấn đề quan trọng ở các đô thị lớn trong đó có Hà Nội. Công bằng mà nói, do chưa có những phương án chi tiết, hành động cụ thể, nên cho đến nay, tình trạng quản lý, xử lý rác vẫn còn nhiều bất cập. Nó không những là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường mà còn là tác nhân làm lãng phí nguồn lực xã hội.

Tưởng dễ mà không dễ

Những năm gần đây, công tác thu gom, dọn rác thải của Hà Nội đã có nhiều cải thiện. Ngoài nỗ lực của các đơn vị thu gom rác thải, người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc tập trung rác đến các địa điểm quy định. Nhiều tổ dân phố đã xây dựng nội quy, quy trình và thời gian đổ rác phù hợp. Người dân đã thấy rõ, giữ gìn vệ sinh chung chính là việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường đô thị, qua đó góp phần giữ gìn sức khỏe cho bản thân, gia đình.

Thế nhưng vẫn còn tình tình trạng xả rác bừa bãi, đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định vẫn khá phổ biến. Tất cả gánh nặng đó lại dồn lên đôi tay, đôi vai của người công nhân môi trường.

Rác tràn lan xung quanh các xe thu gom gây mất văn minh đô thị.

Không nói đâu xa, chỉ cần dạo quanh một vòng các con phố của Thủ đô như Khâm Thiên, Hoa Bằng, Tôn Đức Thắng, Linh Lang, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi... dễ dàng bắt gặp những túi lớn, túi nhỏ nằm kế bên các xe thu gom rác. Một bộ phận không nhỏ người dân sẵn sàng “tiện đâu, bỏ đấy”, phớt lờ hoàn toàn những cảnh báo của cơ quan chức năng lẫn những khuyến nghị của đơn vị thu gom…

Được biết, để tạo điều kiện cho người dân, ở hầu khắp tuyến phố trong nội đô, hay tại các khu dân cư đông đúc, đơn vị chức năng đã đặt thùng rác suốt cả ngày để người dân có thể đổ rác bất cứ thời điểm nào thích hợp... Thực tế đó đã phát sinh ra nhiều bãi rác tự phát mọc lên bên cạnh những thùng rác tràn ứ suốt 24/24 giờ trong ngày, dù các đơn vị môi trường đã rất nỗ lực thu gom.

Đơn cử như thùng rác tại ngõ 12 phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, việc “tạo điều kiện” này đã vô tình làm phát sinh rác thải hàng ngày, người dân tiện lúc nào vứt lúc đó, thậm chí cả rác thải cồng kềnh cũng được mang ra khiến nơi đây lúc nào cũng ùn ứ trong rác. “Đổ rác” những tưởng là việc thường ngày của mỗi gia đình nhưng hóa ra vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Việc triển khai lắp đặt thùng rác di động tại các điểm cố định trong khu dân cư đã giúp giảm gánh nặng cho công nhân công ty, giúp quá trình thu gom, vận chuyển rác thải thuận tiện hơn. Tuy nhiên, thông thường, đơn vị thu gom chỉ đi dọn vào lúc cuối ngày đã mang đến nhiều hệ lụy. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng đơn vị thu gom chỉ nên để xe rác vào những khung giờ đổ rác nhất định, tránh tình trạng rác hóa các điểm thu gom.

Vẫn biết tạo dựng ý thức tốt trong cộng đồng không phải là chuyện có thể “một sớm một chiều”, nhưng để duy trì, lan tỏa thói quen văn minh đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, rất cần sự nỗ lực đổi mới hơn nữa trong phương thức thu gom, vận chuyển rác cũng như sự bền bỉ tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, với việc Nghị định 45 (45/2022/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sắp có hiệu lực thì vai trò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp sẽ càng được nâng cao hơn nữa. Khi ý thức, trách nhiệm hòa quyện với tinh thần thượng tôn pháp luật và phương thức điều hành khoa học, chắc chắn nếp sống văn minh sẽ ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng dân cư.

Để luật đi vào cuộc sống

Thu gom, xử lý rác thải đã từ lâu trở thành một vấn đề quan trọng tại Hà Nội nói riêng cũng như các đô thị khác nói chung. Thật khó để tưởng tượng dù hàng ngày, người công nhân môi trường phải “dong” hẳn ba chuyến xe đi vào tận ngõ thu gom rác vào buổi sáng, đầu giờ chiều và cuối buổi chiều. Nhưng ở đầu ngõ - nơi được coi như bộ mặt của cả khu dân cư thì lúc nào cũng có một vài túi rác do người dân đi qua “tiện tay” để lại, việc nhắc nhở không giải quyết được tình trạng này và những lời nhắc nhở thường bị phớt lờ.

Vấn nạn này sở dĩ ngày càng trầm trọng vì một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, do ý thức của người dân. Thứ hai, do các cấp quản lý tại địa phương chưa nghiêm túc trong thực hiện. Thứ ba, dù đã được đưa vào luật nhưng các cấp, các ngành vẫn hờ hững, không có những động thái triển khai tuyên truyền, hành động quyết liệt một cách có hệ thống. Chỉ còn ít ngày nữa, Nghị định 45 với những quy định chặt chẽ về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cũng như bổ sung quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt… sẽ có hiệu lực. Nghị định mới, với rất nhiều quy định được bổ sung để phù hợp với thực tế, đảm bảo tính răn đe, thống nhất, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp.

Từ ngày 25/8, nếu không phân loại chất thải sinh hoạt từ đầu nguồn, không sử dụng bao bì đựng chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng. Quy định những tưởng sẽ đem đến những hiệu qua tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn khi áp dụng vào thực tế.

Theo đó, Nghị định 45 quy định cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo, phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Nghị định cũng quy định các hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, trung tâm thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng. Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, trung tâm thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, trung tâm thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng... Đây là những vi phạm thường ngày đáng bị lên án cũng như có chế tài xử phạt.

Đáng chú ý, Nghị định 45 bổ sung quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Cụ thể, Khoản 1, Điều 26, Nghị định 45 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Thực tế, từ nhiều năm trở lại đây, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nguồn là cần thiết. Việc phân loại nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp… Thế nhưng hiện tại, các chương trình phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ tại địa phương. Thực tế còn nhiều hộ gia đình chưa được nắm rõ quy trình, cách thức thực hiện nên cần được tuyên truyền, hướng dẫn thêm.

Nói như vậy để thấy, chúng ta đã có những kế hoạch triển khai, cũng như các chế tài xử phạt, vậy tại sao chúng ta không thể triển khai? Dù khó khăn bước đầu, vẫn cần phải thực hiện, vì một môi trường sạch đẹp, một xã hội văn minh, tiên tiến hơn. Vượt qua được những khó khăn giai đoạn đầu, khi việc thu gom, xử lý rác đã đi vào guồng, ăn sâu vào ý thức người dân thì nó sẽ thành thói quen tốt, tạo nên bước thay đổi lớn trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị./.

Nguồn: laodongthudo.vn