Thành Phong ·
1 năm trước
 8981

Quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải

Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải là việc vận hành nhằm kiểm tra, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với công trình xử lý chất thải của chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

Theo quy định của Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trừ một số trường hợp, còn lại tất cả các dự án sau khi được cấp Giấy phép môi trường đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải.

Ảnh minh họa.

Thời gian vận hành thử nghiệm từ 3-6 tháng

Theo đó, chủ đầu tư dự án phải thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan cấp giấy phép môi trường trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để theo dõi, giám sát; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải là từ 3 đến 6 tháng đối với trường hợp dự án là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và dự án đầu tư thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất lớn. Thời gian vận hành thử nghiệm đối với các dự án khác do chủ dự án đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm nhưng không quá 6 tháng.

Trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án để được kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm. Trường hợp dự án thuộc đối tượng quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, phải tổ chức theo dõi, giám sát kết quả quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục có camera theo dõi và kết nối, truyền số liệu về cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án. Bên cạnh đó, tự thực hiện quan trắc khi đáp ứng theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ TN&MT hoặc phối hợp với tổ chức có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường để quan trắc chất thải, đánh giá hiệu quả của công trình xử lý chất thải.

Phải vận hành thử nghiệm lại nếu chất thải xả ra môi trường không đạt

Đặc biệt, trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án, nếu chất thải xả ra môi trường không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, chủ dự án đầu tư phải thực hiện các biện pháp như: Dừng hoạt động hoặc giảm công suất của dự án đầu tư để bảo đảm các công trình xử lý chất thải hiện hữu có thể xử lý các loại chất thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải và giấy phép môi trường; Rà soát các công trình, thiết bị xử lý chất thải, quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và đưa ra giải pháp khắc phục; cải tạo, nâng cấp, xây dựng bổ sung (nếu có) các công trình xử lý chất thải để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

Trong trường hợp gây ra sự cố môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường, chủ dự án đầu tư phải dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm và báo cáo kịp thời tới cơ quan cấp giấy phép môi trường để được hướng dẫn giải quyết; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để phối hợp giải quyết các vấn đề về môi trường; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải lập kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải hoặc từng hạng mục công trình xử lý chất thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải để vận hành lại.

Liên quan đến việc lập kế hoạch vận hành thử nghiệm để vận hành lại, cử tri nhiều địa phương đặt câu hỏi, trong trường hợp có 1 công trình đạt và 1 công trình không đạt thì công trình đạt có được cấp Giấy phép môi trường hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp Giấy phép môi trường, do đó, việc cấp Giấy phép môi trường không phụ thuộc vào việc vận hành thử nghiệm, mà việc vận hành thử nghiệm phải triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt trong giấy phép môi trường. Trường hợp kết quả vận hành thử nghiệm không đạt thì phải thực hiện vận hành thử nghiệm lại.

Đối với dự án đã vận hành thử nghiệm theo quy định tại nhưng có 1 công trình xử lý chất thải đạt, 1 công trình không đạt, chủ dự án lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép môi trường cho các công trình nêu trên, trong đó, đề xuất tiếp tục vận hành thử nghiệm đối với công trình xử lý chất thải có kết quả không đạt (vận hành lại) để cơ quan cấp phép xem xét cấp phép theo quy định.

Nếu không thực hiện các quy định trên Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 9, Nghị định 155/2016/NĐ-CP:

+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) và gửi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

+ Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi không có Giấy xác nhận hoàn công công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định.

Theo Tạ Nhị/ Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6650290888363944/